- Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky hôm qua (18/5) đã có cuộc gặp với đặc phái viên mới được bổ nhiệm của Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu - ông Li Hui. Ông này đã tới Kiev để truyền đạt quan điểm của Bắc Kinh về một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Đặc phái viên mới được bổ nhiệm của Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu - ông Li Hui |
Theo một tuyên bố được Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố ngày hôm qua, ông Li đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Zelensky cũng như người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine Andrey Yermak, Bộ trưởng Ngoại giao Dmitry Kuleba và đại diện của một số bộ khác.
Bắc Kinh cho biết cả hai bên đã đồng ý rằng cuộc điện đàm gần đây giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Zelensky đã vạch ra hướng đi cho mối quan hệ trong tương lai giữa hai quốc gia - điều mà họ tuyên bố phải được xây dựng trên sự chân thành và tôn trọng lẫn nhau.
Trong chuyến đi của mình, ông Li đã nhắc lại rằng Bắc Kinh sẵn sàng đóng vai trò là nhà trung gian hòa giải để giúp đạt được giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Nga-Ukraine, dựa trên các nguyên tắc được vạch ra trong lộ trình 12 điểm do Trung Quốc đề xuất hồi cuối tháng Hai.
“Không có thuốc chữa bách bệnh trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng. Tất cả các bên cần bắt đầu từ chính họ, tích lũy lòng tin lẫn nhau và tạo điều kiện để chấm dứt chiến tranh và tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trích dẫn lời ông Li nói.
Chuyến đi hai ngày của đặc phái viên Trung Quốc tới Ukraine là chặng đầu tiên của chuyến công du châu Âu rộng lớn hơn, trong đó ông này dự kiến sẽ đến thăm cả Ba Lan, Pháp, Đức và Nga. Bắc Kinh đã giải thích rằng chuyến đi nhằm mục đích thúc đẩy trao đổi nhằm hướng tới “một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”.
Những nỗ lực hòa bình của Trung Quốc đã được Nga cũng như một số quốc gia châu Âu như Hungary hoan nghênh và được ca ngợi vì thừa nhận lợi ích quốc gia của cả hai bên.
Tuy nhiên, lộ trình này đã bị một số nước phương Tây chỉ trích. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố rằng Trung Quốc thiếu “uy tín” vì họ đã từ chối lên án các hành động của Nga ở Ukraine. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nhấn mạnh rằng “điều duy nhất có thể được gọi là một kế hoạch hòa bình là đề xuất của ông Zelensky.”
Tổng thống Ukraine đã yêu cầu Nga phải rút khỏi các vùng lãnh thổ mà Kiev tuyên bố là của mình, cũng như bồi thường chiến tranh và đối mặt với tòa án quốc tế. Điện Kremlin đã bác bỏ đòi hỏi nói trên, tuyên bố rằng Kiev không xem xét "thực tế trên chiến trường", bao gồm cả tình trạng mới của bốn khu vực thuộc Ukraine trước đây nhưng đã sáp nhập vào Nga.
Những nỗ lực của Trung Quốc trong việc tìm cách tháo gỡ cuộc chiến Nga-Ukraine có vẻ sẽ gặp khó khăn trước sự phản đối của một số nước phương Tây. Bản thân Kiev cũng tuyên bố không đàm phán với chính quyền của Tổng thống Putin.
Hơn nữa, các nước phương Tây vẫn tiếp tục tăng cường hậu thuẫn và viện trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Mới đây nhất, người đứng đầu chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu Josep Borrell được cho là đã yêu cầu thêm 3,5 tỷ euro (3,8 tỷ USD) để tăng nguồn quỹ được sử dụng để cung cấp vũ khí cho Ukraine. Vị quan chức cấp cao của châu Âu trước đó đã cảnh báo rằng các lực lượng của Kiev sẽ sụp đổ “trong vài ngày” nếu không có sự hỗ trợ tiếp tục của phương Tây.
Ông Borrell là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Ukraine trong EU, liên tục vận động hành lang để có thêm hỗ trợ quân sự và nhấn mạnh rằng viện trợ của phương Tây sẽ quyết định số phận của quốc gia Đông Âu. Tại một sự kiện ở Ý hồi đầu tháng này, ông Borrell từng phát biểu rằng “đây không phải là thời điểm để nói chuyện ngoại giao về hòa bình".