- UBND TP. Hà Nội mới đây giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở GTVT, Công an thành phố, UBND các quận, huyện lập đề án quản lý vỉa hè, lòng đường.
Cụ thể, UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng phối hợp sở ngành của thành phố tham mưu trình Ban Thường vụ Thành uỷ ban hành Chỉ thị về công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường.
Cùng với đó, các đơn vị nói trên tham mưu, xây dựng đề án quản lý vỉa hè, lòng đường. Nội dung đề án phải đảm bảo hài hoà giữa an ninh trật tự và phát triển kinh tế đô thị, gắn với đảm bảo quyền lợi sinh kế của nhân dân.
TP. Hà Nội lưu ý, việc quản lý vỉa hè, lòng đường phải làm từng bước, theo phân khu, đánh giá tác động, tiến tới nhân rộng phạm vi thực hiện.
Trong những năm qua, Hà Nội đã trải qua nhiều chiến dịch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ nhưng không thành khiến người dân mất lòng tin với với những đợt ra quân rầm rộ “đầu voi đuôi chuột”, “ném đá ao bèo”. Nhiều ý kiến cho rằng, lý do thất bại của các chiến dịch này là vì cách làm chỉ xử lý phần “ngọn”, mang tính chất bề nổi nên không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Đặc biệt, việc xử lý trách nhiệm những tổ chức, cá nhân trong sử dụng, quản lý vỉa hè cũng không được làm một cách công khai và nghiêm minh.
Đợt ra quân rầm rộ gần đây nhất là vào đầu tháng 3/2023 khi Chủ tịch thành phố Trần Sỹ Thanh đã có chỉ đạo yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm hè phố, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán, để vật liệu xây dựng không đúng quy định.
Theo yêu cầu, Công an thành phố, Sở GTVT, Sở Xây dựng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm lấn chiếm hè phố, lòng đường; các trường hợp đỗ xe, trông giữ xe ô tô, xe máy không đúng quy định, đặc biệt là trên các tuyến phố, khu vực điểm nóng về ùn tắc giao thông.
Lãnh đạo Thành phố yêu cầu có biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời đối với các trường hợp cố tình vi phạm; rà soát, sắp xếp các điểm trông giữ phương tiện, chỗ để xe trên hè phố, dưới lòng đường theo đúng quy định, đảm bảo đường thông hè thoáng, không làm cản trở việc đi lại của người dân và các phương tiện tham gia giao thông.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ngành thành phố liên quan xây dựng Kế hoạch, phân công tổ chức thực hiện, rà soát các điều kiện chuẩn bị cho công tác sắp xếp, lập lại trật tự hè phố, lòng đường và kiểm tra, xử lý các vi phạm; hoàn thành trước ngày 20/3/2023.
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng giao Công an thành phố - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 197 thành phố chủ trì, phối hợp Sở GTVT, Sở Xây dựng, Văn phòng UBND thành phố theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố; kịp thời phát hiện, thông tin đến Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã những trường hợp vi phạm về trật tự hè phố, lòng đường để xử lý và phối hợp xử lý theo thẩm quyền; thiết lập đường dây nóng, kênh thông tin (như ứng dụng Zalo,…) để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ảnh, kiến nghị của người dân, các cơ quan báo chí về các hành vi vi phạm; duy trì lực lượng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các quận, huyện, thị xã và kịp thời phối hợp xử lý các vi phạm khi cần thiết. Định kỳ ngày 05 hàng tháng, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Thành ủy, UBND thành phố, trong đó nêu rõ các địa bàn còn nhiều vi phạm.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND thành phố giao Văn phòng UBND thành phố, Chánh Văn phòng UBND thành phố công khai thông tin các Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để xảy ra nhiều vi phạm về trật tự hè phố, lòng đường trên địa bàn tại các cuộc họp báo của UBND thành phố hàng tháng….
Tuy nhiên, có thể thấy, với những chỉ đạo “quyết liệt” nói trên, vỉa hè Hà Nội “vẫn y nguyên” như nhiều năm qua vẫn thế trong khi chưa thấy có lãnh đạo quận, huyện, phường, xã nào bị xử lý.
Tại hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND với lãnh đạo các quận, huyện, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, từ việc thiếu quy hoạch dẫn đến thiếu công khai, minh bạch trong vấn đề quản lý trật tự vỉa hè, lòng đường.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu đơn vị liên quan nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè (có thể tính cả phương án cho thuê, thu phí theo giờ...), bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường tại những nơi phù hợp…
Hà Nội đang có đặt mục tiêu phát triển nhanh các phương tiện công cộng, trong đó đặc biệt là các tuyến tàu điện trên cao, tàu điện ngầm... Tuy nhiên, để những loại hình này phát triển được như kỳ vọng thì việc tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ là điều không thể không làm, nhưng có thể nói là đang chưa được quan tâm đúng mức. Một trong những biểu hiện chính là việc vỉa hè ở Thành phố không được quản lý tốt, chưa thực sự là không gian cho người đi bộ.
Đến lúc này, người dân Thủ đô lại vẫn chỉ biết tiếp tục chờ đợi những hành động thiết thực từ các cấp chính quyền của Thủ đô.