Nắng nóng làm gia tăng nguy cơ mắc liên cầu khuẩn lợn

0
0

 - Các chuyên gia y tế cảnh báo, liên cầu lợn là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, lây truyền từ động vật sang người và có xu hướng xảy ra vào mùa hè nắng nóng.

Liên tiếp các ca bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong thời gian gần đây

Hơn 4 tháng đầu năm 2023, thành phố Hà Nội ghi nhận 5 bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 1 người tử vong; trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca bệnh.

Ngày 22/5, các bác sĩ khoa Hồi sức Nội (A27), Bệnh viện Quân y 103, Hà Nội, cho biết đã tiếp nhận người bệnh Đ.T.P.N. (nữ, 40 tuổi) trong tình trạng nguy kịch. Hai ngày trước vào viện, chị N. xuất hiện mệt mỏi nhiều, ăn uống kém, đau mạn sườn phải âm ỉ, liên tục, có lúc đau quặn thành cơn. Sau thời gian tự điều trị tại nhà nhưng không đỡ, người phụ nữ này đến bệnh viện huyện cấp cứu.

Tại đây, chị N. được phát hiện suy chức năng gan, thận, tụt huyết áp, chuyển khoa Hồi sức nội, Bệnh viện Quân y 103, trong tình trạng sốc nặng, vật vã, kích thích, da niêm mạc vàng, xuất huyết dưới da dạng mảng và nốt vùng ngọn chi, ngón cái bàn tay phải có vết thương 1 cm đã liền mép nhưng còn sưng màu xanh tím...  Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp diễn biến rất nặng, sốc nhiễm khuẩn, suy chức năng đa tạng. Nguyên nhân có thể hướng tới từ ngộ độc thuốc (người bệnh có dùng thuốc nam trước đó) hoặc nhiễm khuẩn (làm nghề giết mổ, bán thịt lợn), nguy cơ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bàn chân người bệnh ngày thứ 2 nhập viện. Ảnh: BVCC.
Bàn chân người bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn (Ảnh: BVCC)

Hai ngày sau khi giết mổ lợn bệnh và không sử dụng các biện pháp bảo hộ, một người đàn ông (48 tuổi, ở xã Phú Châu, huyện Ba Vì) xuất hiện sốt cao, rét run, mệt mỏi, đau cơ, nôn… Một ngày sau, bệnh nhân nổi ban xuất huyết vùng đầu và trên cơ thể nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 để điều trị. Sau đó, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.

Trước đó, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận điều trị cho hai bệnh nhân bị viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn liên cầu lợn, trong đó một người mắc bệnh sau khi giết mổ và ăn thịt lợn ốm, người còn lại mắc bệnh sau khi ăn tiết canh. Còn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cũng tiếp nhận hai bệnh nhân mắc liên cầu lợn, trong đó bệnh nhân nữ làm nghề bán thịt lợn; còn bệnh nhân nam mắc bệnh sau khi ăn tiết canh và tham gia thái thịt lợn tại một đám cưới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín… Thậm chí, một số nhà hàng hiện nay dùng tiết lợn pha vào tiết ngan, vịt, dê... Khi ăn những món tiết canh này cũng có nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, một số bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh có thể do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn sống, hoặc tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.

Theo các chuyên gia y tế, liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh. S.suis được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới, những nơi chăn nuôi lợn. Tỷ lệ mang S.suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60%-100%. Vi khuẩn S.suis thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn.

Các biện pháp phòng chống bệnh liên cầu khuẩn lợn

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện có 2 type liên cầu lợn, trong đó type I hay gây dịch bệnh lẻ tẻ ở các đàn lợn dưới 8 tuần tuổi; type II gây bệnh ở nhiều lứa tuổi khác nhau của lợn nhưng thường gây bệnh ở lợn thịt với các dấu hiệu viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm phổi, bại huyết, bệnh đường tiêu hóa, viêm khớp, xuất huyết ở da... Điều đáng nói, S.suis type II ở lợn thường gây bệnh cho người.

Khi mắc bệnh do liên cầu lợn, người bệnh thường có triệu chứng sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, ù tai, cứng gáy, rối loạn chi giác, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau, như: Xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa. Đặc biệt, triệu chứng hay gặp trong bệnh liên cầu lợn là nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn liên cầu lợn vào máu và nhân lên nhanh chóng, đồng thời tiết ra nhiều độc tố. Khi nhiễm khuẩn huyết, ngoài các triệu chứng trên, người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng, biểu hiện như tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp và có thể tử vong nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Để chủ động phòng, chống bệnh liên cầu lợn, nhất là trong mùa hè này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, Sở yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội phối hợp với Chi cục Thú y thành phố nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn lợn để chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó. Ngoài ra, CDC thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã trong giám sát, xử lý dịch bệnh liên cầu lợn. Đồng thời, tổ chức giám sát, điều tra dịch tễ đối với những ca bệnh nghi do nhiễm liên cầu lợn tại các bệnh viện trung ương, bệnh viện bộ/ngành và các bệnh viện tuyến thành phố để kịp thời xử lý ổ dịch tại cộng đồng.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y các quận, huyện, thị xã nắm bắt kịp thời tình hình dịch trên đàn lợn; áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn không để dịch lây lan sang người; chịu trách nhiệm giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các bệnh viện phân cấp và cộng đồng, tổ chức xử lý triệt để ổ dịch...

Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu tăng cường tuyên truyền cho người dân về việc thực hiện bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, không ăn tiết canh và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn; bảo đảm vệ sinh cá nhân, thực hiện bảo hộ lao động cần thiết khi tiếp xúc, chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn; thực hiện thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

P.V

Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.