- Một bộ các tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ trực tuyến vào tháng trước đã làm sáng tỏ thông tin tình báo Mỹ thu thập được về các quốc gia khác.
Hình ảnh của các tệp các thông tin bí mật ban đầu xuất hiện trên ứng dụng nhắn tin Discord vào tháng 1, nhưng không được chú ý cho đến tháng 3. Discord sau đó đã đưa ra một tuyên bố chính thức lên án vụ rò rỉ thông tin này.
Các tài liệu mật bị rò rỉ bao gồm một bản trình tự thời gian phức tạp, hàng chục từ viết tắt quân sự, bao gồm một số mục được đánh dấu là “tuyệt mật”. Bộ tài liệu này đã cung cấp một bức tranh chi tiết về cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine kể từ ngày 24/2/2022.
“Tuyệt mật” là cấp độ phân loại cao nhất. Một số tài liệu còn có dấu NOFORN, hoặc “Không thể tiết lộ cho công dân nước ngoài”, nghĩa là chúng không thể được chia sẻ với các cơ quan tình báo nước ngoài, bao gồm liên minh Five Eyes – Mỹ, Canada, Anh, Australia và New Zealand, tờ Thời báo New York (New York Times) cho hay.
Nhắc đến quan điểm của Ấn Độ, tài liệu mật của Mỹ cho rằng nước này luôn giữ khoảng cách với cuộc xung đột Ukraine và từ chối lên án các hành động của đồng minh truyền thống Nga trên các diễn đàn toàn cầu, bao gồm cả Liên hợp quốc (LHQ).
Thông tin rò rỉ cho rằng ảnh hưởng của Mỹ đối với New Delhi đang suy yếu. Lập trường của Ấn Độ trùng với lập trường của các cường quốc mới nổi khác như Brazil và Ai Cập, trong bối cảnh Washington đang đối đầu với Nga và Trung Quốc.
Mỹ không còn có thể khoe khoang mình là một “siêu cường không bị thách thức” trong trường hợp với Ấn Độ, trong khi Washington theo đuổi một chương trình nghị sự bá quyền đơn phương.
Ấn Độ, quốc gia đang nổi lên như một tiếng nói hàng đầu của Nam bán cầu, luôn tránh xa các mệnh lệnh chính sách đối ngoại từ Washington.
Báo cáo của Lầu Năm Góc miêu tả rằng Ấn Độ không có ý định đứng về bên nào trong cuộc đối đầu về Ukraine, như các hành động của New Delhi đã chứng minh.
Sự tiếp cận nhất quán của Ấn Độ đối với Nga - bất chấp áp lực ngày càng tăng của Mỹ - đã trở nên nổi bật trong chuyến thăm của Cố vấn An ninh Quốc gia Ajit Doval tới Moscow vào tháng 2, các thông tin bị rò rỉ đã cho thấy như vậy.
Ông Doval đã gặp người đồng cấp Nga Nikolai Patrushev vào ngày 22/2 và đảm bảo với ông này về "sự hỗ trợ của New Delhi dành cho Nga về nhiều mặt".
Cố vấn An ninh Quốc gia Ajit Doval Doval được cho là đã nói với ông Patrushev rằng Ấn Độ đang nỗ lực để đảm bảo cuộc xung đột Ukraine sẽ không được đưa ra đàm phán trong cuộc họp của các ngoại trưởng G20 ở New Delhi vào ngày 1 và 2/3, bất chấp “áp lực lớn” buộc vấn đề phải được nêu ra (Ấn Độ nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên của G20 và hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức tại New Delhi vào ngày 9 và 10/9).
Ông Doval cũng khẳng định với người đồng cấp Nga Patrushev rằng Ấn Độ “sẽ không đi chệch khỏi lập trường nguyên tắc mà nước này đã duy trì trong quá khứ”.
Ấn Độ đã miễn cưỡng mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự hội nghị thượng đỉnh G20, bất chấp những nỗ lực không ngừng của Kiev để đưa Nhà lãnh đạo của họ vào danh sách những người theo chủ nghĩa toàn cầu ưu tú. Bên cạnh đó, mối quan hệ Nga-Ấn Độ đã có được sức sống mới thông qua thương mại ngày càng tăng giữa hai nước.
Ấn Độ và Trung Quốc đã nổi lên như hai nhà nhập khẩu dầu thô vận chuyển bằng đường biển lớn nhất của Nga, phá vỡ các kỷ lục lịch sử và lách các biện pháp trừng phạt do Mỹ và phương Tây tung ra.