- Theo báo cáo từ Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ điều dưỡng ung thư/1000 bệnh nhân chỉ là 21, đây là con số còn khá hạn chế. Số lượng và chất lượng của đội ngũ điều dưỡng viên hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và hội nhập.
Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tại Hội thảo điều dưỡng ung thư lần đầu tiên với quy mô toàn quốc được tổ chức tại Bệnh viện K ngày 26/5.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, công tác phòng chống ung thư hiện nay vẫn là một thách thức lớn đối với nền y học trên thế giới và vai trò của điều dưỡng là vô cùng quan trọng. Người bệnh ung thư phải trải qua các phương pháp điều trị khác nhau, thời gian điều trị lâu dài; đặc biệt cần sự tận tâm, chăm sóc của cán bộ điều dưỡng.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Bộ Y tế) |
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn biểu dương những nỗ lực, những đóng góp quan trọng, rất hiệu quả của đội ngũ điều dưỡng nói chung và điều dưỡng chuyên ngành ung thư nói riêng trong các lĩnh vực như: Xây dựng chính sách, tổ chức quản lý chăm sóc, đào tạo, thực hành chăm sóc và nghiên cứu khoa học. Chất lượng chăm sóc người bệnh ung thư đã có chuyển biến rõ rệt thông qua việc đổi mới các mô hình phân công chăm sóc, tổ chức chăm sóc người bệnh, chuẩn hóa các kỹ thuật điều dưỡng.
Đặc biệt trong công tác phòng chống bệnh dịch COVID-19 thời gian vừa qua, điều dưỡng chuyên ngành ung thư đã cùng lực lượng Điều dưỡng, Hộ sinh cả nước đã có những đóng góp rất hiệu quả cùng với các bác sĩ và nhân viên y tế khác từng bước đẩy lùi bệnh dịch.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho hay, hiện nay công tác điều dưỡng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đó là nguồn nhân lực điều dưỡng thiếu nhiều về số lượng và năng lực chuyên môn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực.
Tại Việt Nam hiện nay, tỷ lệ điều dưỡng ung thư/bác sĩ = 1,8, gần đạt với quy định chung là 2 điều dưỡng/1 bác sĩ. Theo báo cáo từ Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ điều dưỡng ung thư/1000 bệnh nhân chỉ là 21, đây là con số còn khá hạn chế.
"Trong những năm gần đây, có rất nhiều các cơ sở đào tạo điều dưỡng, tuy nhiên, vẫn chưa có các chương trình đào tạo điều dưỡng chuyên ngành vì vậy chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và hội nhập. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin và khả năng ngoại ngữ của đội ngũ điều dưỡng viên vẫn còn hạn chế"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Bộ Y tế) |
Trong phát biểu tại hội thảo, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cũng cho biết, công tác phòng chống ung thư hiện nay vẫn là một thách thức lớn đối với nền y học trên thế giới và vai trò của điều dưỡng là vô cùng quan trọng.
Điều dưỡng không chỉ là việc thực hiện các quy trình kỹ thuật, mà cần xây dựng mối quan hệ gần gũi với người bệnh, lắng nghe, hỗ trợ tinh thần, giảm đau, quản lý tác dụng phụ và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hồi phục của người bệnh...
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trong thời gian tới, ngành y tế Việt Nam đang tập trung các giải pháp nhằm đổi mới căn bản và toàn diện về công tác điều dưỡng.
Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác điều dưỡng, phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng, thúc đẩy phát triển công nghệ và trang thiết bị phục vụ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh toàn diện, đặc biệt chú trọng tới dinh dưỡng và chăm sóc tâm lý trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu chăm sóc thực tiễn và hội nhập điều dưỡng khu vực ASEAN.