- Thẩm tra Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư áp dụng cả đối với các trường hợp là đất chưa được làm sạch…
Thẩm tra Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đề nghị cần quy định cụ thể về điều kiện tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), không nên dẫn chiếu “điều kiện khác theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản” để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của các luật, tránh chồng chéo, trùng lặp.
Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cũng cho rằng quy định điều kiện tổ chức tham gia đấu giá phải có “năng lực, kinh nghiệm trong việc phát triển dự án” như Dự thảo là không rõ ràng, còn chung chung, chưa rõ là năng lực chuyên môn hay năng lực về tài chính, kinh nghiệm như thế nào (đã thực hiện bao nhiêu dự án, quy mô dự án…).
Mặt khác, theo Thường trực ủy ban Tài chính – Ngân sách, việc quy định về năng lực, kinh nghiệm trong phát triển dự án sẽ không khuyến khích các tổ chức khởi nghiệp, sáng tạo.
Ảnh minh họa |
Về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, Thường trực Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư áp dụng cả đối với các trường hợp là đất chưa được làm sạch (đất chưa giải phóng mặt bằng), với yêu cầu đặt ra với các nhà thầu phải có thêm năng lực thực hiện thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đồng thời, dự thảo Luật Đấu thầu đang được sửa đổi và Luật Đầu tư sẽ cần được sửa đổi tương ứng ở các điều khoản liên quan đến đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Tương tự như với đấu giá, Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách đề nghị thống nhất quy tắc áp dụng Luật, theo đó, trình tự, thủ tục đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu; về điều kiện, tiêu chí đối với dự án có sử dụng đất và tổ chức tham gia đấu thầu sẽ thực hiện theo Luật Đất đai.
Có ý kiến cho rằng, việc liệt kê các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất như Dự thảo Luật dễ dẫn đến vừa thiếu hoặc vừa thừa. Do đó để bảo đảm đầy đủ, đề nghị quy định tất cả các trường hợp ngoài quy định tại Điều 121 và Điều 122 của Dự thảo Luật này đều phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.
Về các khoản thu ngân sách từ đất đai, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị quy định rõ thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định hiện hành. Đồng thời, để thực hiện Điều 55 Hiến pháp, các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định và bảo đảm tính minh bạch, đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào Dự thảo Luật các quy định về mặt nguyên tắc đối với thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, luật hóa một số quy định tại các Nghị định của Chính phủ về nội dung này đã áp dụng ổn định, không có vướng mắc.
Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí với nội dung mới của Dự thảo Luật quy định về việc điều tiết nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Bởi lẽ, việc quy định mới như Dự thảo Luật sẽ điều tiết nguồn thu từ đất về ngân sách trung ương, từ đó giảm gánh nặng cho ngân sách trung ương trong hỗ trợ cho những địa phương, khu vực khó khăn.
Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị làm rõ một số nội dung đối với thời kỳ ổn định ngân sách 2021-2025 thì các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sẽ được tính tỷ lệ phân chia như thế nào khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2024. Với việc tính tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu, đề nghị đưa khoản thu này vào việc tính số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.