- Các bệnh viện ở Sudan đang cạn kiệt nguồn lực y tế thiết yếu trong bối cảnh tình trạng đổ máu đang tiếp tục diễn ra ở nước này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.
Ít nhất 83 người đã thiệt mạng và hơn 1.126 người bị thương trong các cuộc đụng độ xảy ra trên khắp đất nước Sudan, WHO hôm qua (16/4) cho biết đồng thời cảnh báo về một cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe sắp xảy ra và thúc giục Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) cũng như Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) ít nhất phải đảm bảo quyền tiếp cận không hạn chế tới các bệnh viện, sau khi lệnh ngừng bắn nhân đạo ngắn hạn do Liên Hợp Quốc đề xuất không được thực hiện.
“Các nguồn cung cấp do WHO phân phối cho các cơ sở y tế trước khi xung đột leo thang gần đây hiện đã cạn kiệt và nhiều trong số 9 bệnh viện ở Khartoum tiếp nhận dân thường bị thương đang báo cáo tình trạng thiếu máu, thiết bị truyền máu, dịch truyền tĩnh mạch, vật tư y tế và các thiết bị cứu sinh khác”, WHO cho biết trong một tuyên bố được phát đi vào ngày hôm qua. Tuyên bố cũng nhấn mạnh đến các báo cáo về tình trạng cắt nước và điện, thiếu nhiên liệu cũng như thiếu nhân viên y tế chuyên ngành.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) cho biết họ buộc phải tạm dừng hoạt động tại quốc gia này sau khi 3 nhân viên của họ thiệt mạng và 2 người khác bị thương, đồng thời một chiếc máy bay do WFP vận hành đã bị "hư hại nghiêm trọng" trong các cuộc đụng độ tại Sân bay Quốc tế Khartoum.
Các bên tham chiến đã đồng ý tạm dừng nhân đạo ngắn vào chiều Chủ nhật, nhưng vẫn duy trì quyền “đáp trả trong trường hợp vi phạm.” Trong thời gian đó, âm thanh của pháo hạng nặng và tiếng súng vẫn được nghe thấy ở nhiều nơi khác nhau của thủ đô.
“Toàn bộ mục đích của thời gian ngừng bắn kéo dài ba giờ là để cho phép những người bị mắc kẹt xung quanh khu vực lân cận dinh tổng thống, khu vực lân cận sở chỉ huy chung của quân đội có thể trốn thoát,” theo phóng viên Hiba Morgan của Al Jazeera.