- Động thái nói trên của Liên minh Châu Âu (EU) sẽ giúp duy trì “hiện trạng hòa bình” xung quanh hòn đảo Đài Loan, nhà ngoại giao hàng đầu của EU tuyên bố. Tuy nhiên, bước đi này của EU nếu được thực hiện chắc chắn sẽ chọc giận Trung Quốc và đẩy cao căng thẳng trong khu vực.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU – ông Josep Borrell |
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU – ông Josep Borrell hồi cuối tuần vừa rồi đã lên tiếng phát biểu rằng hải quân châu Âu nên “tuần tra” Eo biển Đài Loan. Theo lập luận của vị quan chức chính sách ngoại giao hàng đầu của EU, hoạt động tuần tra Eo biển Đài Loan sẽ giúp duy trì “hiện trạng” trong khu vực. Ông Borrell đã đưa ra đề xuất nói trên trong bài viết được đăng tải trên Tạp chí Du Dimanche.
EU tiếp tục coi Trung Quốc “vừa là đối tác vừa là đối thủ cạnh tranh và cũng là đối thủ”, phù hợp với chiến lược được thông qua vào năm 2019, ông Borrell đã viết như vậy.
Vị quan chức cấp cao của EU lập luận rằng khối này nên khẳng định lập trường một cách chắc chắn hơn về vấn đề Đài Loan – “một vấn đề liên quan đến chúng ta về kinh tế, thương mại và công nghệ”.
“Đây là lý do tại sao tôi kêu gọi hải quân châu Âu tuần tra Eo biển Đài Loan để thể hiện cam kết của châu Âu đối với tự do hàng hải ở khu vực hết sức quan trọng này,” ông Borrell nói tiếp.
“Trong vấn đề Đài Loan, quan điểm của chúng tôi rất đơn giản và nhất quán. Theo quan điểm của chúng tôi, chỉ có một Trung Quốc. Nhưng không phải trong bất kỳ điều kiện nào. Và chắc chắn không phải thông qua việc sử dụng vũ lực,” ông Borrell nhấn mạnh đồng thời tuyên bố rằng “đại đa số người dân Đài Loan tin rằng duy trì hiện trạng hòa bình là giải pháp thích hợp nhất.”
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU cam kết sẽ đưa ra đề xuất tiến hành các cuộc tuần tra ở Eo biển Đài Loan trong cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên trong khối vào ngày hôm nay (24/4) khi họ gặp nhau để thảo luận về các chính sách của Brussels đối với Bắc Kinh. Đồng thời, ông Borrell thừa nhận các cuộc tuần tra nên được tiến hành một cách cẩn thận và các quốc gia EU nên “thận trọng trước những hành động khiêu khích và phản ứng thái quá”.
Đề xuất nói trên tương tự như cách Mỹ thực hiện cái gọi là các cuộc tuần tra để thể hiện “tự do hàng hải” với sự tham gia của các tàu quân sự thường xuyên được phái đến Eo biển Đài Loan, Biển Đông và các khu vực khác. Những cuộc tuần tra như vậy từ lâu đã là một vấn đề trong quan hệ song phương giữa Washington và Bắc Kinh. Trung Quốc liên tục chỉ trích hành động của phía Mỹ, nói rằng hoạt động đó chỉ làm gia tăng căng thẳng chứ không giúp mang lại 'sự ổn định' cho các tuyến đường thủy đang nằm trong tranh chấp.
Trong bài báo của mình, ông Borrell cũng đề cập đến một trong những vấn đề quốc tế gây tranh cãi nhất trong những tháng gần đây - cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine. Trong khi Bắc Kinh duy trì lập trường trung lập, kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho các hành động thù địch, họ đã nhiều lần bị những nước phương Tây hậu thuẫn cho Kiev cáo buộc ủng hộ Moscow.
“Chúng tôi đã nói đi nói lại nhiều lần với người Trung Quốc rằng: việc ủng hộ, hậu thuẫn cho Nga không đem lại lợi ích cho các bạn. Đặc biệt là vì bằng cách ủng hộ cho Nga, Trung Quốc sẽ chỉ làm tăng sự phân cực trong hệ thống quốc tế mà các bạn được cho là muốn chống lại,” ông Borrell cho biết đồng thời cam kết sẽ nhắc lại lập trường này tại cuộc họp cấp bộ trưởng sắp tới.