- “Thi hay xét tuyển thì áp lực cũng không hề giảm mà chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, thời gian này sang thời gian khác. Nếu tổ chức thi thì áp lực dồn vào thời gian ôn thi và thi nhưng nếu dựa vào xét tuyển trên học bạ thì áp lực rải ra các năm học. Tổng cộng là áp lực không giảm đi" - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều ngày 3/3, phóng viên báo chí đã đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ GD&ĐT về phương án chọn môn thi vào lớp 10 của các địa phương, đặc biệt là vấn đề công bằng và giảm áp lực cho các thí sinh khi có địa phương tổ chức thi cả 3 môn, có địa phương lại xét tuyển vào lớp 10.
Cùng với dó, một số ý kiến cho rằng việc nhân đôi điểm hệ số 2 môn Văn Toán không còn phù hợp với chương trình giáo dục hiện nay.
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trước đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư năm 2014 về quy chế thi THCS, THPT và việc tổ chức thi, xét tuyển hay là kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển, giao quyền chủ động cho các địa phương thực hiện phù hợp với đặc điểm của địa phương và các Sở GD&ĐT tham mưu, trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch cũng như quyết định môn thi, hình thức thi, hệ số bài thi, điểm cộng, v.v…
Về lý do có nơi tổ chức kỳ thi có nơi xét tuyển, ông Sơn cho biết: Khi số lượng thí sinh muốn vào học lớp 10 lớn hơn số chỗ mà các trường đưa ra, hoặc các trường chuyên, số chỗ ít nhưng nhiều học sinh muốn vào thì cần thiết phải tổ chức xét tuyển hoặc thi tuyển hoặc kết hợp.
“Như vậy, tùy từng địa phương, tùy đặc điểm, căn cứ số lượng học sinh đăng ký dự tuyển và số lượng các trường THPT trên địa bàn đó có thể tiếp nhận thì có các hình thức khác nhau. Địa phương không có vấn đề gì về số lượng, số chỗ các trường phổ thông cung cấp nhiều thì việc xét tuyển khá đơn giản, không có gì căng thẳng, không áp lực. Nhưng càng ở những thành phố lớn, những trường chuyên, những trường có tiếng, có uy tín thì việc tổ chức thi mới thành vấn đề lớn.” – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT giải thích và nhấn mạnh: “xét tuyển đều phải đảm bảo công bằng, tin cậy, sau đó mới nói đến chuyện áp lực.”
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: Thi hay xét tuyển thì áp lực cũng không hề giảm mà chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, thời gian này sang thời gian khác |
Theo ông Hoàng minh Sơn, áp lực sẽ khó thay đổi dù thi hay xét tuyển khi mà giữa cung và cầu, giữa số lượng vào và số chỗ để tiếp nhận là khác nhau.
“Thi hay xét tuyển thì áp lực cũng không hề giảm mà chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, thời gian này sang thời gian khác. Nếu tổ chức thi thì áp lực dồn vào thời gian ôn thi và thi nhưng nếu dựa vào xét tuyển trên học bạ thì áp lực rải ra các năm học. Tổng cộng là áp lực không giảm đi.” – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Về việc thi 3 môn hay 4 môn, ông Sơn cho rằng, “không nói đến sự công bằng giữa các địa phương, vì địa phương thi 3 môn và địa phương thi 4 môn không liên quan đến nhau, chỉ xét tuyển hoặc thi tuyển trong 1 địa phương. Còn trong một địa phương, các thí sinh cùng thi vào một trường thì lúc đó cần quan tâm đến độ tin cậy, công bằng và 3 môn hay 4 môn không ảnh hưởng nhiều đến tin cậy, công bằng.”
“Cái quan trọng đối với các trường phổ thông là yêu cầu đầu vào, yêu cầu năng lực về kiến thức, về kỹ năng. Ba môn là đủ để đánh giá sự khác nhau giữa các em học sinh hay cần 4 môn, cái đó tùy từng địa phương cân nhắc việc này và cũng phụ thuộc vào các trường phổ thông.” – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nêu quan điểm.
Về vấn đề nhân đôi hệ số 2 điểm Văn, Toán, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT giải thích: Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 chú trọng phát triển toàn diện năng lực cho học sinh. “Tuy nhiên, phát triển toàn diện và chú trọng phát triển năng lực không có nghĩa là coi nhẹ các môn văn hóa, coi nhẹ kiến thức cơ bản, đặc biệt các môn quan trọng như là Toán và Văn.” – ông Sơn nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, việc tổ chức như vậy Bộ GD&ĐT đã quy định là, với chương trình phổ thông mới 2018, không còn cần tính điểm trung bình, trong đánh giá không còn hệ số các môn học để đưa vào học bạ nữa. Tuy nhiên, đây là việc tổ chức thi vào lớp 10 các trường phổ thông thì các địa phương phải cân nhắc, nghiên cứu, tính thật kỹ tình hình yêu cầu của các trường, từ đó đưa ra yêu cầu môn Toán, môn Văn hệ số 2.
“Chẳng hạn chỉ có 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ nhưng có lý do nhiều nơi không phải em nào cũng có điều kiện học ngoại ngữ như nhau. Do đó, có thể chọn môn Toán, môn Văn hệ số 2. Mặt khác cũng có yêu cầu đầu vào để trong quá trình học tập ở phổ thông, môn Toán, môn Văn yêu cầu kiến thức nền tảng quan trọng hơn, phải học tốt hơn thì cũng có thể cân nhắc việc này.” – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nêu rõ và khẳng định: “Vấn đề này hoàn toàn nằm trong quyền tự chủ của các địa phương, các cơ sở giáo dục đào tạo, để tham mưu, trình UBND tỉnh quyết định tùy theo đặc điểm của các địa phương, các trường mà các em thí sinh, học sinh đăng ký dự tuyển.”