- Liên quan đến những sai phạm về mua sắm thiết bị dạy và học ở Hà Tĩnh, 2 cán bộ thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đã bị kỷ luật.
Trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức cuộc họp kiểm điểm những cá nhân liên quan đến những sai phạm trong công tác mua sắm thiết bị giáo dục tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giai đoạn 2017-2019. Những cá nhân bị yêu cầu kiểm điểm thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Cụ thể, các cá nhân bị đưa ra để xem xét kiểm điểm, gồm: Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp - Giám đốc Sở GD&ĐT; ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT; ông Trần Trung Dũng - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT; ông Nguyễn Xuân Trường - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT; bà Nguyễn Thị Hải Lý - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT.
Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh. |
Sáng 6/3, một lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết, những cá nhân thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý cũng đã viết bản tự kiểm điểm, đang được tỉnh xem xét và chưa có hình thức kỷ luật. Còn các cấp phòng, ban thuộc Sở GD&ĐT thì đơn vị đã có quyết định kỷ luật 2 cán bộ liên quan đến những sai phạm về mua sắm thiết bị dạy và học theo kết luận số 320 của Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh.
Cụ thể, Cảnh cáo đối với ông Lê Quang Cảnh, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT giai đoạn 2017-2020) và Khiển trách đối với ông Phan Thanh Hải, Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (nguyên là Chuyên viên phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT giai đoạn 2017-2020).
Theo vị lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, liên quan đến kết luận số 320 của Thanh tra tỉnh này thì hiện này đơn vị đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng.
"Phía công an cũng đang làm việc với đơn vị về những vấn đề liên quan", vị này cho biết.
Liên quan đến những sai phạm về mua sắm thiết bị dạy và học ở Hà Tĩnh, ngày 2/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố 3 bị can gồm: Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc kinh doanh công ty Hồng Hà; Nguyễn Xuân Thiện, nhân viên kinh doanh Công ty P&T và Nguyễn Xuân Hiếu, Kỹ sư tư vấn thiết kế về tội "Vi phạm qui định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", theo điều 222 Bộ Luật hình sự.
Trước đó, theo kết luận của Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh vào cuối năm 2022 đã chỉ ra nhiều bất thường trong công tác quản lý đấu thầu, mua sắm thiết bị dạy học trên địa bàn tỉnh này, giai đoạn 2017-2019. Quá trình thực hiện việc đấu thầu cung cấp thiết bị giáo dục, các đơn vị trúng thầu đã có sự tráo đổi phụ lục trong phần hồ sơ. Nghiêm trọng hơn, giá thiết bị mua sắm, thẩm định, phê duyệt kế hoạch mua sắm của nhiều thiết bị cao bất thường so với giá nhập khẩu.
Được biết, trong giai đoạn 2017-2019, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh thực hiện 17 gói thầu mua sắm thiết bị dạy và học, tổng giá trị hợp đồng hơn 250 tỷ đồng. Trong đó, mua sắm tập trung 15 gói thầu, tổng giá trị hơn 240 tỷ đồng, Sở GD&ĐT tự mua sắm 2 gói thầu.
So sánh giá nhập khẩu và giá bán lại cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh thì số tiền chênh lệch tại những gói mua sắm thiết bị giáo dục này lên đến hàng chục tỷ đồng.
Trong kết luận của Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh cũng chỉ rõ những công ty đã dùng "chiêu trò" để thổi giá thiết bị giáo dục như: Công ty CP Thương mại Hồng Hà và Công ty CP Đầu tư P&T, Công ty CP công nghệ Lam Hồng, Công ty CP H-PEC Việt Nam, Công ty CP ứng dụng Công nghệ & Dịch vụ viễn thông, Công ty CP Vạn Xuân.
(tổng hợp)