- Đối với Chương trình năm 2023, Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung 13 dự án, gồm 11 dự án luật, 01 dự án pháp lệnh, 01 dự thảo nghị quyết.
Ủy ban Pháp luật của của Quốc hội ngày 30/3 đã họp phiên toàn thể lần thứ 13 để thẩm tra đề nghị của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023.
Bổ sung 13 dự án
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; nghe các tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí về đề nghị xây dựng các dự án luật.
Theo đó, đối với Chương trình năm 2023, Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung 13 dự án, gồm 11 dự án luật, 01 dự án pháp lệnh, 01 dự thảo nghị quyết.
Cụ thể: Tại Kỳ họp thứ 5, Chính phủ đề nghị bổ sung 07 dự án, gồm 06 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết; trong đó: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp; trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 đối với 5 dự án luật là Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Đường bộ: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ đề nghị bổ sung 04 dự án luật, gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp; trình Quốc hội cho ý kiến đối với các dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Thủ đô (sửa đổi). Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung 01 dự án là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Tòa án nhân dân tối cao cũng đề nghị bổ sung dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 10/2023, thông qua tại phiên họp tháng 12/2023.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh |
Đối với Chương trình năm 2024, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu Quốc hội đề nghị đưa vào Chương trình 18 dự án luật, trong đó, Chính phủ đề nghị 14 dự án.
Theo đó, tại Kỳ họp thứ 7 trình Quốc hội thông qua 05 dự án, là các dự án Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, trình Quốc hội cho ý kiến 07 dự án là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân. Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ trình Quốc hội thông qua 07 dự án, là các dự án được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7; trình Quốc hội cho ý kiến 02 dự án là Luật Dân số (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi).
Tòa án nhân dân tối cao đề nghị đưa vào Chương trình năm 2024 dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới.
Khắc phục tình trạng bổ sung quá gấp
Tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung Tờ trình của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và của đại biểu Quốc hội. Qua đó, đánh giá cụ thể về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và những tháng đầu năm 2023; cho ý kiến về các đề nghị xây dựng luật, hồ sơ đề nghị, thủ tục, nội dung các chính sách trong các dự án bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khả thi; cân nhắc thời điểm trình các dự án và đưa ra các kiến nghị đề xuất, giải pháp.
Qua thảo luận, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương chuẩn bị để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội bổ sung các dự án nêu trên vào Chương trình, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; trong đó đề nghị tập trung nghiên cứu, xử lý nội dung liên quan đến vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu cần được đưa vào dự án sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để bảo đảm kịp thời áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2024.
Các đại biểu cũng cho biết khối lượng nhiệm vụ lập pháp của Quốc hội khóa XV là rất lớn, đặt ra nhiều áp lực đối với các đại biểu Quốc hội. Với số lượng lớn các luật phải xem xét cho ý kiến nếu không được sớm tiếp cận hồ sơ tài liệu dự án luật, các đại biểu sẽ không có đủ thời gian xem xét kĩ lưỡng, thấu đáo. Do đó các đại biểu cũng cân nhắc việc sắp xếp các dự án luật đưa vào Chương trình, khắc phục tình trạng bổ sung quá gấp và có sự cân đối số lượng các dự án tại mỗi kì họp, ưu tiên trình trước đối với những nội dung cấp thiết, bức xúc thì cần trình trước.