- Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) gồm Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và lãnh đạo một số Vụ, Cục thuộc Bộ mới đây đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương. Dự cuộc làm việc có Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung.
Chất lượng giáo dục nâng lên; xã hội hoá giáo dục là điểm sáng
Báo cáo về tình hình giáo dục và đào tạo của tỉnh, bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Những năm qua, quy mô học sinh, các loại hình trường lớp tại Đắk Lắk phát triển ổn định, đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho người dân, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh trong vùng. Đặc biệt công tác xã hội hoá giáo dục là một trong những điểm sáng của địa phương này.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.009 trường học từ mầm non đến THPT, với 15.578 lớp, nhóm lớp, gồm 484.185 học sinh, trong đó có 88 trường ngoài công lập từ mầm non đến THPT. Toàn tỉnh có 16 Trung tâm GDTX và trung tâm GDNN-GDTX; 4 trường trung cấp nghề, 8 trường cao đẳng, 2 trường đại học, 2 phân hiệu đại học, với tổng cộng 41.080 học viên, sinh viên.
Đội ngũ giáo viên hiện nay về cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học, có phẩm chất, năng lực tốt để thực hiện thành công đổi mới; 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học đều được bồi dưỡng chương trình nâng cao năng lực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo quy định của Bộ GDĐT.
Chất lượng giáo dục từ mầm non đến phổ thông từng bước được nâng lên, khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn từng bước được rút ngắn. Đặc biệt, giáo dục mũi nhọn phát triển mạnh qua các năm cả về chất lượng, lẫn số lượng. Trong 5 năm qua thành tích học sinh giỏi đứng đầu khu vực 10 tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ, đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật và khởi nghiệp.
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 172.007 học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 36,05%, có 17 trường nội trú, 6 trường bán trú. Giáo dục dân tộc được quan tâm từ chế độ chính sách đến việc nâng cao chất lượng giáo dục đã góp phần tạo điều kiện cho học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được học tập, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra; 100% các huyện, thị xã, thành phố giữ vững kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đảm bảo trên 90% số người biết chữ tiếp tục học tập và không mù chữ trở lại, giữ vững 100% huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xoá mù chữ.
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả tích cực, giáo dục Đắk Lắk cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ trường học kiên cố hoá của tỉnh hiện nay là 70,2%, còn rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Tỉnh Đắk Lắk thuộc miền núi, địa bàn rộng; có nhiều dân tộc thiểu số, có nhiều điểm trường lẻ ở cấp mầm non và tiểu học có khoảng cách khá xa, vì vậy cũng gặp khó khăn trong việc sắp xếp, xóa bỏ các điểm trường, cũng như khó khăn trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục.
Chất lượng giáo dục đại trà chưa đồng đều giữa các vùng, miền và giữa các trường học. Giáo dục ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học còn nhiều ở các cấp học nhưng chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn ở các huyện, thị xã, thành phố.
Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung trao đổi tại cuộc làm việc |
Với mục tiêu đưa “Đắk Lắk trở thành trung tâm về giáo dục và đào tạo của vùng Tây Nguyên”, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho biết: Tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục và đào tạo theo hướng đồng bộ, hiện đại. “Chúng tôi sẽ nghiêm túc bàn thảo, đề ra chương trình hành động, trong đó sẽ tập trung vào những vấn đề lớn mà Bộ GDĐT nêu hôm nay”, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung chia sẻ.
Nhấn mạnh vai trò của Trường Đại học Tây Nguyên, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk mong muốn Bộ GDĐT sẽ quan tâm ưu tiên phát triển Trường Đại học Tây Nguyên. Về phía địa phương, ông Nguyễn Đình Trung cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GDĐT và Trường Đại học Tây Nguyên để đạt mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và cho vùng.
“Phương diện hội tụ, lan toả giáo dục, văn hoá, khoa học quyết định Đắk Lắk có phải trung tâm của vùng hay không”
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ ấn tượng tốt và đánh giá cao những nỗ lực trong phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh Đắk Lắk, trong đó có sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh.
Bộ trưởng đánh giá, với một tỉnh có diện tích rộng, địa hình chia cắt, số lượng đồng bào dân tộc thiểu số lớn, nguồn thu ngân sách ít, sự quan tâm tới giáo dục của Đắk Lắk thể hiện ở việc đầu tư hệ thống trường lớp tới từng thôn bản, chăm lo cho học sinh dân tộc thiểu số, tỷ lệ học sinh giỏi đứng đầu 10 tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Trung bộ… là cố gắng lớn.
Nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt của Bộ GDĐT tới giáo dục của 3 Tây: Tây Bắc - Tây Nguyên - Tây Nam Bộ, Bộ trưởng khẳng định, Bộ GDĐT sẽ sát cánh sâu sát hơn với giáo dục Đắk Lắk và cả vùng Tây Nguyên. Bộ trưởng cũng cho biết, tinh thần của những trao đổi là để giáo dục Đắk Lắk phát triển, bởi Đắk Lắk muốn phát triển thành trung tâm của Tây Nguyên, phương diện hội tụ, lan toả giáo dục, văn hoá, khoa học sẽ mang tính quyết định.
Lưu ý một số việc tỉnh Đắk Lắk cần tập trung trong thời gian tới, Bộ trưởng đề cập đầu tiên tới triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó nhấn mạnh về trọng điểm đầu tư cho việc triển khai trong 2 năm 2023-2024. “Thời điểm này sự đầu tư kịp thời là rất quan trọng”, Bộ trưởng nói, đồng thời đề nghị tỉnh không chỉ lưu ý tới đầu tư cơ sở vật chất trường lớp mà còn quan tâm tới đầu tư trang thiết bị dạy học. Về đội ngũ giáo viên cần quan tâm tới nguồn tuyển, đặt hàng đào tạo, tập huấn thường xuyên cho giáo viên… Ngoài ra cũng cần quan tâm tới lựa chọn, cung ứng sách giáo khoa.
Là địa phương có số điểm trường lẻ lớn, trong việc rà soát, sắp xếp, dồn dịch cơ sở giáo dục, Bộ trưởng đề nghị cần hết sức cân nhắc để đảm bảo học sinh có điều kiện học tập tốt hơn. Tỉnh cũng cần có kế hoạch theo lộ trình từng năm để sớm khắc phục gần 30% trường lớp chưa được kiên cố hoá, trong đó quan tâm đầu tiên tới bậc học mầm non.
Với đặc điểm của vùng là giáo dục dân tộc, thời gian qua tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chính sách hỗ trợ con em đồng bào dân tộc, tổ chức nâng cao năng lực tiếng Kinh cho trẻ em dân tộc thiểu số, thực hiện chính sách dạy tiếng dân tộc. Để tiếp tục thực hiện tốt hơn giáo dục dân tộc, Bộ trưởng cho rằng, tỉnh cần có thêm chính sách hỗ trợ người dạy, người học và cần quan tâm đặt hàng đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc.
Đánh giá xã hội hoá là điểm sáng trong bối cảnh của vùng khó khăn, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát huy điểm sáng này thông qua các chính sách phù hợp.
Trong phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng trao đổi nhiều vấn đề cụ thể về Trường Đại học Tây Nguyên với mong muốn, tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm sẽ quan tâm đầu tư hơn nữa tới Trường Đại học Tây Nguyên, khai thác triệt để lợi thế đào tạo, nghiên cứu của một trường đại học đóng trên địa bàn để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sau cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã tới thăm, khảo sát thực tế tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt và Phân hiệu Trường Đại học Đông Á tại Đắk Lắk nhằm nắm bắt tình hình giáo dục của địa phương, trong đó có mảng giáo dục ngoài công lập đang góp phần cung cấp thêm cơ hội tiếp cận giáo dục và thúc đẩy phát triển giáo dục, phát triển nhân lực cho tỉnh Đắk Lắk và cho cả vùng.