- Ngày 8/3 vừa qua, cô giáo Đào Thị Hồng Quyên là giáo viên Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng POR – Tỏa sáng sức mạnh tri thức, thông qua đề cử trực tiếp từ UNICEF.
Cô Quyên hiện là Trưởng bộ môn Khoa học, phụ trách Xưởng sáng tạo xanh (Green Makerspace) và Nhà giáo dục Xanh (Green Educational House) tại Hệ thống Trường Genesis. Đồng thời, cô đang là học viên cao học K31 Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Lễ trao giải thưởng sẽ được tiến hành tại TPHCM vào ngày 18/4/2023. Giải thưởng trị giá 100.000 USD sẽ được cô Quyên sử dụng vào dự án tăng cường tiếp cận giáo dục STEM cho trẻ em gái ở khu vực nông thôn và miền núi cũng như trẻ khiếm thính. Dự kiến, trong một năm, các hoạt động của dự án sẽ được triển khai tới hơn 1.000 giáo viên cùng hơn 10.000 học sinh (trong đó 60% là học sinh nữ).
Cô giáo Đào Thị Hồng Quyên trong một tiết dạy. Ảnh: Vietnamnet |
Cô Đào Thị Hồng Quyên là một nhân tố tích cực trong thế hệ đầu tiên đem giáo dục STEM về khu vực nông thôn cách đây hơn 5 năm.
Năm 2017, cô giành học bổng tham gia khóa tập huấn ngắn hạn về Giáo dục STEM và Khoa học vũ trụ tại Trung tâm Vũ trụ và Tên lửa Hoa Kỳ - một bảo tàng ở TP Huntsville, Alabama.
Trở về sau khóa học, cô đã viết một đề xuất hỗ trợ nhằm thu hẹp cách biệt về giáo dục STEM giữa khu vực nông thôn và thành thị mang tên “STEM for Rural”. Dự án nhận được tài trợ của Đại sứ quán Mỹ để triển khai hai hoạt động chính trong năm 2018 là dịch tài liệu STEM và tổ chức các hoạt động STEM cho các trường THCS. Theo đó, hằng tháng, cô cùng các đại sứ STEM-học trò do cô tuyển chọn và tập huấn đến các trường THCS trong tỉnh Nam Định để tổ chức các gian hàng STEM hoặc toàn bộ nội dung cho một Ngày hội STEM trọn vẹn. Ngoài ra, các học trò THPT trong nhóm của cô Quyên cũng có thể “đứng lớp”, hướng dẫn các em học sinh nhỏ hơn cách làm thí nghiệm Vật lý, Hóa học, lập trình v.v.
Cô Quyên cũng chủ động tham gia rất nhiều dự án như: Đa dạng sinh học khu vực đất ngập nước - Mangrove Forest and Sustainable Development do YSEALI tài trợ; dự án Covid-19 và Đại dịch tiếp theo – là dự án học tập cộng đồng do National Geographic tài trợ; Giảng viên nguồn chương trình BeInternet Awesome - Chương trình an toàn mạng dành cho học sinh của Google.
Hồng Quyên cho biết sau khi nhận giải thưởng POR, cô sẽ thực hiện theo đúng đề xuất với chương trình, kết nối các nhóm thúc đẩy STEM, đọc sách ở Việt Nam, phát triển chương trình có tính bền vững, tiếp tục hoạt động sau khi dự án kết thúc.
Kế hoạch hành động trong một năm tới đây của cô Quyên hướng tới 3 mục tiêu: Phát triển giáo dục STEM dành cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi phía Bắc; Phát triển giáo dục STEM dành cho học sinh khuyết tật sau Covid; Thúc đẩy truyền thông giáo dục STEM. Các hoạt động này kỳ vọng sẽ được triển khai tới hơn 1.000 giáo viên cùng hơn 10.000 học sinh (trong đó 60% là học sinh nữ) nhằm hỗ trợ tiếp cận và phát triển giáo dục STEM, mang lại hiệu quả tích cực trong học tập và cuộc sống cho các em nhỏ.
“Power of Radiance – Tỏa sáng sức mạnh tri thức” (POR) được khởi xướng vào năm 2019, là một Giải thưởng được sáng lập bởi Clé de Peau Beauté với sự tư vấn trực tiếp từ Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF nhằm tôn vinh những người phụ nữ có đóng góp mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em gái bằng giáo dục và bảo vệ nữ quyền.
Mỗi năm, UNICEF đề cử từ 3 đến 5 ứng viên là những phụ nữ tỏa sáng trong lĩnh vực của họ và giải thưởng POR chỉ trao duy nhất cho một cá nhân trên toàn thế giới.
(tổng hợp)