- Vi rút hợp bào hô hấp (RSV) là một trong những tác nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp. Đặc biệt, với đối tượng trẻ nhỏ có hệ miễn dịch non yếu có thể gây ra biến chứng như viêm phổi, viêm tiểu phế quản,... nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
Theo TS.BS Phạm Thị Thuận, phụ trách Chủ nhiệm khoa Nhi - Bệnh viện TWQĐ 108 lý giải nguyên nhân khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới khi nhiễm vi rút RSV: "Sau khi xâm nhập vào niêm mạc mũi, họng hoặc kết mạc, vi rút RSV nhanh chóng lây lan vào đường hô hấp, nhắm tới mục tiêu là các tế bào biểu mô có lông, gây ra hoại tử tế bào biểu mô đường hô hấp. Từ đó, dẫn tới hậu quả là tắc nghẽn đường thở nhỏ do đường hô hấp bị bịt kín bởi chất nhầy, mảnh vụn tế bào. Ngoài ra, sự xâm nhập của vi rút còn gây rối loạn chức năng lông chuyển làm giảm khả năng thanh thải chất nhầy, gây phù nề đường thở và làm giảm khả năng giãn nở của phổi".
"Thông thường, các ca nhiễm RSV có thể không nghiêm trọng nhưng trong một số trường hợp đặc biệt như trẻ có hệ miễn dịch non yếu thì bệnh gây ra các biến chứng nặng. Có thể là: Viêm phổi và viêm tiểu phế quản: Khi RSV di chuyển từ đường hô hấp trên xuống đường hô hấp dưới có thể gây ra viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản và hay gặp nhất ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, RSV có thể gây biến chứng viêm tai giữa: Khi vi rút xâm nhập vào không gian phía sau màng nhĩ có thể gây viêm tai giữa. Biến chứng này thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một số biến chứng nghiêm trọng khác về đường hô hấp như suy hô hấp, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, ứ khí phổi…".
Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường hô hấp do virus RSV (Ảnh minh họa) |
Các chuyên gia cảnh báo, RSV có thể dễ dàng phát triển và tấn công trẻ nhỏ có sức đề kháng non yếu, nhất là vào thời điểm chuyển giao giữa xuân sang hè như hiện nay. Thời tiết và nhiệt độ thay đổi thất thường sẽ ảnh hưởng tới tế bào đường hô hấp, tạo điều kiện cho vi rút RSV xâm nhập và gây bệnh.
TS.BS Phạm Thị Thuận cho biết, cũng giống như nhiều virus gây bệnh đường hô hấp khác, RSV có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua: Nhiễm bẩn bởi các giọt bắn có chứa vi rút RSV được thải ra từ người bệnh qua ho, hắt hơi lên mắt, mũi, miệng. Thêm vào đó, vi rút RSV có thể tồn tại trên bề mặt của đồ vật như quần áo hơn 6 giờ. Nó cũng có thể sống trên bàn tay đến hơn 1 giờ. Do đó khi trẻ tiếp xúc gián tiếp với các bề mặt bị nhiễm bẩn có chứa vi rút hoặc quần áo, vật dụng của người bị bệnh,... sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng,.... Hoặc khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người nhiễm RSV thông qua hôn hoặc mớm thức ăn… thì sẽ dễ dàng bị lây bệnh. Thời gian ủ bệnh sau khi bị phơi nhiễm nguồn lây RSV từ 2 đến 8 ngày, trung bình từ 4 đến 6 ngày".
Bác sĩ thông tin thêm, nhiễm trùng RSV có thể gây ra các hội chứng lâm sàng đa dạng, từ triệu chứng nhẹ giống cảm lạnh đến các biểu hiện của nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, cơn hen kịch phát và thở khò khè do vi rút. Khi vi rút RSV đi vào hệ hô hấp trên của trẻ (mũi, họng) có thể gây ra các triệu chứng nhẹ và giống cảm lạnh như: Sốt lúc bắt đầu bệnh; ho khan, hắt hơi; đau họng nhẹ; sổ mũi, nghẹt mũi, đau tai…
Đặc biệt, triệu chứng dễ nhận biết nhất của RSV là họng có nhiều đờm, quánh dịch, khiến đường hô hấp bít tắc, khó thở. Bệnh diễn tiến nặng từ ngày thứ 3 – 5, sau khi nhiễm RSV khiến trẻ ho càng lúc càng nhiều… Nhất là ở những trẻ có bệnh nền nặng như tim bẩm sinh, loạn sản phổi, đẻ non, não bẩm sinh, suy dinh dưỡng… có yếu tố nguy cơ làm bệnh nặng, nằm viện lâu.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, hiện nay chưa có vắc xin đặc hiệu phòng bệnh do vi rút hợp bào hô hấp (RSV). Do đó, các bậc phụ huynh cần chú ý việc tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin được khuyến cáo theo độ tuổi, đặc biệt với trẻ nhỏ. Đồng thời, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh cho trẻ. Đeo khẩu trang cho trẻ khi đến nơi đông người để phòng lây các căn nguyên lây truyền theo đường hô hấp, trong đó có RSV.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng chỉ ra giải pháp có thể hỗ trợ phòng bệnh do vi rút RSV gây ra ở trẻ hiệu quả bằng cách cải thiện hệ thống miễn dịch của trẻ. Các bậc cha mẹ có thể sử dụng ly giải vi khuẩn giống như một loại "vắc xin" phòng bệnh qua đường uống. Bởi khi ly giải vi khuẩn đi vào cơ thể, sẽ có tác dụng hỗ trợ kích thích cơ thể sản sinh kháng thể cho đường hô hấp, hỗ trợ chống lại các vi khuẩn và phòng ngừa di chứng do vi rút gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ cần theo dõi sức khỏe thường xuyên cho con. Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu nhiễm RSV cần cho trẻ đi khám và chẩn đoán ngay tại cơ sở y tế. Nếu có các triệu chứng sau cần nhập viện ngay, phòng nguy cơ biến chứng do nhiễm virus hợp bào hô hấp: Trẻ dưới 3 tháng bị nhiễm virus hợp bào hô hấp; tình trạng sốt cao không hạ; khó thở; da có màu xanh, đặc biệt là trên môi và các móng tay; trẻ bỏ ăn, ăn không đủ 80% lượng ăn bình thường; nồng độ oxy trong máu dưới 95%.