- Số ca mắc tay chân miệng tại Cà Mau ghi nhận rải rác ở hầu hết các huyện, thành phố và có dấu hiệu gia tăng.
Tính đến cuối tháng 2/2023, toàn tỉnh Cà Mau đã ghi nhận 229 ca nhiễm tay chân miệng, so với cùng kỳ chỉ ghi nhận 1 ca. Các địa phương có số trường hợp mắc tay chân miệng cao: Thành phố Cà Mau 51 ca, Đầm Dơi 46 ca, Trần Văn Thời 37 ca...
Theo Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, trên thế giới, một số quốc gia đã ghi nhận sự gia tăng và ảnh hưởng của dịch bệnh tay chân miệng, điển hình là Philippines. Theo báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam, đến tuần thứ 5/2023 ghi nhận 1.198 ca bệnh tay chân miệng cao gấp 7,2 lần so với cùng kỳ năm 2022 và đang có xu hướng tăng dần. Chính vì thế, việc chủ động triển khai những giải pháp nhằm kéo giảm tác hại của dịch bệnh trên thực tế là điều cần thiết và khẩn trương trong giai đoạn hiện nay.
Từ nhận định của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và tình hình thực tế của địa phương, mới đây Sở Y tế Cà Mau đã có công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc và cơ quan hữu quan chủ động triển khai nhiều giải pháp.
Trong đó chú trọng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội huy động quần chúng nhân dân triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, xử lý ổ dịch kịp thời theo hướng dẫn của Bộ y tế. Đặc biệt tại các khu có nguy cơ bùng phát dịch như: Các khu trông giữ trẻ, trường mầm non, tiểu học, khu dân cư, nhà trọ công nhân có đông trẻ em...
Phối hợp với ngành Giáo dục triển khai và kiểm tra hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục. Đặc biệt là tại các cơ sở nhà trẻ, trường mầm non, tiểu học, phát hiện và cách ly sớm các bệnh. Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
Cập nhật các ổ dịch lên hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm đầy đủ, kịp thời, phản ánh đúng thực tế tình hình dịch bệnh tại địa phương.