Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ giải quyết kiến nghị của Hà Nội về đường Vành đai 4

0
0

 - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công Thương, Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) khẩn trương giải quyết các kiến nghị của UBND TP Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh về các vấn đề liên quan đến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô…

Vành đai 4 Vùng Thủ đô
 

Trên đây là một trong những ý quan quan trọng trong kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp của Thành phố Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh trong việc tổ chức triển khai thực hiện Dự án. UBND các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo của từng địa phương và đã thống nhất Quy chế chung để tổ chức thực hiện; đặc biệt là thành phố Hà Nội đã làm tốt vai trò là đầu mối tổ chức thực hiện Dự án, đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ toàn Dự án theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư đã được các địa phương làm tốt, đảm bảo tiến độ đã đề ra, tạo sự đồng thuận của người dân trong vùng Dự án.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 của Chính phủ đã quy định rõ thẩm quyền của các địa phương; đồng thời, cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách về chỉ định thầu, khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, các công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Căn cứ vào đó, các địa phương thực hiện theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội và UBND hai tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan tại cuộc họp, chủ động quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền của mình trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm việc chỉ định thầu các dự án cải tạo, mở rộng nghĩa trang phục vụ công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án), phê duyệt các dự án thành phần… phải thực hiện theo đúng cơ chế, chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ bảo đảm tiến độ triển khai Dự án.

Phó Thủ tướng lưu ý về việc mở rộng, cải tạo, chỉnh trang các nghĩa trang hiện có phục vụ công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án, các địa phương thực hiện việc chỉ định theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

Về việc xây mới các nghĩa trang, Phó Thủ tướng yêu cầu phải có quy hoạch được duyệt, phù hợp với các quy hoạch khác có liên quan, đồng bộ với các hạ tầng kinh tế - xã hội.

Việc sử dụng vốn hợp pháp của địa phương (cho công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư) phải trên cơ sở dự án được duyệt theo đúng quy định; phải duyệt dự án cho nhanh để đẩy nhanh hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Vấn đề phê duyệt các dự án thành phần, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý “không chia nhỏ các tiểu dự án; phải tiên lượng, dự toán cho phù hợp, không đẩy tổng mức đầu tư lên cao làm ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn vốn chung của toàn bộ Dự án.”

Phó Thủ tướng yêu cầu các nút giao giữ nguyên như Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Quốc hội, Chính phủ chấp thuận; lưu ý các nút giao cắt phải khác đồng mức; điều chỉnh cao độ tĩnh không các cầu cạn cho phù hợp; thiết kế mặt cắt ngang cầu qua sông phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch và xu thế phát triển trong tương lai.

Khẩn trương giải quyết các kiến nghị 

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ GTVT, NN&PTNT, Công Thương, TN&MT chủ động, khẩn trương hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền các kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội và UBND hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Trong đó, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng theo thẩm quyền, phối hợp, hướng dẫn khâu thẩm định, thiết kế, thi công các Dự án.

Bộ NN&PTNT sớm xem xét và có ý kiến thỏa thuận với đề nghị của UBND thành phố Hà Nội về phương án thiết kế các công trình cầu qua sông có đê thuộc Dự án.

Bộ TN&MT sớm xem xét và có ý kiến về đề xuất của Ban Chỉ đạo về những nội dung liên quan; thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường các Dự án thành phần, bao gồm các dự án khai thác mỏ vật liệu xây dựng trong tháng 2/2023.

Bộ Công Thương phối hợp, giúp đỡ các địa phương về việc thỏa thuận giải pháp thiết kế di chuyển, bảo vệ hệ thống điện cao thế (110KV, 220 KV, 500 KV) trong phạm vi giải phóng mặt bằng của Dự án.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao thành phố Hà Nội là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án và báo cáo kết quả triển khai Dự án, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn Dự án và chủ trì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư trong trường hợp phát sinh các yếu tố dẫn đến điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Trước đó, tại tờ trình của UBND TP Hà Nội gửi Chính Phủ, Thành phố đã kiến nghị Quốc hội thẩm định quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Theo đó, đối với mặt bằng, TP Hà Nội dự kiến tiến hành giải phóng mặt bằng theo quy hoạch gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành 2 bên, với chiều rộng mặt cắt ngang 120m.

Với phương án mới này, sẽ giảm khoảng 8.700 tỉ đồng so với phương án được đưa ra tháng 1/2022.

Theo phương án đầu tư, TP Hà Nội tiếp tục kiến nghị thực hiện phân kỳ đầu tư theo lộ trình đầu tư trước phần đường cao tốc quy mô 4 làn xe, rộng 17m với phần đường và 17,5m đối với phần cầu. Tuyến đường có vận tốc khai thác 80km một giờ sẽ chủ yếu đi trên cao, ngoại trừ 37,43km có nhu cầu liên kết ngang và phát triển quỹ đất hai bên không cao sẽ đi thấp.

Thành phố đề xuất đầu tư ngay hệ thống đường song hành 2 bên với quy mô 2 làn xe một bên, bề rộng nền đường 12m.

Theo đó, với phương án này, tổng mức đầu tư dự án trong giai đoạn phân kỳ là 87.098 tỉ đồng, giảm khoảng 8.700 tỉ đồng so với phương án được đưa ra tháng 1/2022.

Về tiến độ, dự án tiến hành chuẩn bị đầu tư từ năm 2021 và dự kiến hoàn thành vào năm 2027, rút ngắn khoảng 1 năm so với đề xuất trước đó, theo đơn vị lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Theo UBND TP Hà Nội, chủ đầu tư dự kiến huy động 32.514 tỉ đồng từ ngân sách giai đoạn 2021 – 2025, gồm: 14.250 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương, 18.254 tỉ đồng từ ngân sách 3 địa phương là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Với giai đoạn sau 2025, chủ đầu tư dự kiến huy động 24.240 tỉ đồng từ ngân sách giai đoạn 2026 – 2030, gồm: 14.125 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương, 10.115 tỉ đồng từ ngân sách 3 địa phương. Vốn nhà đầu tư dự kiến 27.531 tỉ đồng, tương đương 48% tổng mức đầu tư dự án thành phần hợp tác công - tư (PPP) và 32% tổng mức đầu tư dự án tổng thể.

UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù dành riêng cho công trình - tương tự các cơ chế đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/NQ15 về chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 để đảm bảo dự án hoàn thành vào năm 2027.

UBND TP  Hà Nội kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu trong giai đoạn triển khai đến khi hoàn thành dự án với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án thành phần chỉ sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Về huy động nguồn lực, UBND TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu cho các địa phương vay khi thực hiện Dự án trong giai đoạn 2021 - 2025. Sau khi có nguồn thu từ các dự án khai thác quỹ đất 2 bên đường trong giai đoạn 2026 - 2030, các địa phương sẽ cân đối trả nguồn vay cho Chính phủ.

Thành phố cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép dự án được áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu - dựa trên quy định tại Điều 82, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư và sớm hình thành gói tín dụng ưu đãi - để tăng tính hấp dẫn trong việc thu hút nhà đầu tư và huy động vốn.

Về gói tín dụng ưu đãi, theo chính quyền thành phố, sẽ được huy động từ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để cho nhà đầu tư vay. Cụ thể, Nhà nước bảo lãnh lãi suất trong thời gian đầu, còn ngân hàng sẽ thu lại phần chênh lãi suất cho vay trong thời gian vận hành, khai thác công trình.

 

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


Giá vé máy bay tăng cao có phải do thuế, phí?

(VnMedia) - Một số dư luận cho rằng, nguyên nhân đẩy giá vé máy bay tăng cao quá mức là do mức thu thuế, phí hiện nay không hề nhỏ. Hiện các hãng hàng không phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.

Phát triển vùng đồng bằng sông Hồng dựa vào khoa học công nghệ và chuyển đổi số

(VnMedia) - Vùng đồng bằng sông Hồng sẽ được phát triển và cơ cấu lại kinh tế vùng dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... Đây là một trong những định hướng quan trọng tại Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(VnMedia) - Lực lượng Công an các đơn vị và Công an tỉnh Điện Biên đã đảm bảo quân số, trang thiết bị, cơ sở vật chất, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Giám sát chặt chẽ biến động giá cả hàng hóa để có kịch bản ứng phó phù hợp

(VnMedia) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương giám sát chặt chẽ biến động giá cả hàng hóa thế giới và trong nước để chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời.

Nắng nóng diện rộng chấm dứt từ ngày mai (5/5)

(VnMedia) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 05/5, nắng nóng diện rộng ở các khu vực trên cả nước có khả năng kết thúc.