- Năm học 2022-2023, lần đầu tiên TP HCM tổ chức lớp học số môn tin học, tiếng Anh ở lớp 3 với mục đích giải quyết tình trạng thiếu giáo viên khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết mô hình lớp học số đang được thí điểm tại Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) và Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi).
Khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, TP HCM gặp nhiều khó khăn vì đối diện tình trạng thiếu giáo viên (GV) cục bộ, đặc biệt ở các môn tiếng Anh, tin học. Nhất là ở những địa bàn quận, huyện xa trung tâm, đội ngũ GV giảng dạy 2 môn học này càng khó tuyển dụng. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, việc thực hiện lớp học số là một trong những giải pháp TP HCM ứng dụng chuyển đổi số trong dạy và học, đồng thời mang đến sự thích thú, hào hứng cho HS trong quá trình học tập.
Lý giải về việc chọn Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) và Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) để thực hiện thí điểm từ học kỳ I năm học 2022-2023, theo Sở GD-ĐT TP HCM, đây là 2 trường tiểu học cùng thiếu GV tiếng Anh, tin học nhưng lại khó tuyển dụng cũng như điều chuyển GV từ các nơi khác do đặc thù là địa bàn xa xôi. Một lý do nữa là khả năng tiếp cận công nghệ, phương pháp mới không cao, việc đưa chuyển đổi số vào sẽ hỗ trợ hiệu quả bồi dưỡng chuyên môn cũng như nâng cao chất lượng giáo dục của trường.
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, để tổ chức lớp học số tại 2 trường trên, thầy, cô phụ trách lớp là các GV được Sở GD-ĐT tuyển chọn, bồi dưỡng, tập huấn. Ngoài ra, phải đáp ứng yêu cầu có chuyên môn tốt, có khả năng giảng dạy tốt trên môi trường số, làm chủ được lớp học, vận dụng được nhiều phương pháp năng động giúp HS hứng thú khi tham gia tiết học. Các lớp học số được tổ chức theo đơn vị lớp song theo thời khóa biểu được thiết kế đặc thù vì phụ thuộc vào thời khóa biểu giáo viên giảng dạy. Các lớp học tại 2 đơn vị phải có GV trợ giảng trực tiếp theo sát HS trong những giờ học lớp học số.
Mô hình lớp học số tại Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ. Ảnh: Người lao động |
Hai huyện Cần Giờ và Củ Chi không phải là 2 địa phương duy nhất tại TP HCM thiếu GV tiếng Anh, tin học. Bởi khi 2 môn này là môn học bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình 2018 thì nhiều quận, huyện cũng đau đầu vì không tuyển được GV. Tuy nhiên, lớp học số cũng khó triển khai đại trà cùng lúc. Ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết thêm lớp học số sẽ được mở rộng đến các nơi còn khó khăn về GV giảng dạy và các nơi có điều kiện xã hội hóa.
Sau một học kỳ thí điểm mô hình lớp học số, Sở GD-ĐT thành phố đánh giá đến thời điểm này, hệ thống lớp học ảo đạt hiệu quả bước đầu nhờ được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố và các quận, huyện; cùng với đó là sự quan tâm, phối hợp triển khai của HS, bảo đảm mục tiêu công bằng trong giáo dục. HS được học với GV giỏi nhất, nội dung chất lượng nhất, học với công nghệ tiên tiến nhất. Do vậy, HS cảm thấy hứng thú trong học tập với nhiều phương pháp mới, năng động.
"Tuy nhiên, mô hình lớp học số vẫn gặp nhiều hạn chế, khó khăn như đòi hỏi sự cân đối thời gian, thời khóa biểu của GV; cần sự đầu tư ban đầu cho lớp học, duy trì lớp học số mà các địa phương, nhà trường khó khăn sẽ phải xem xét nhiều phương án phù hợp; kinh phí hỗ trợ cho thầy cô giảng dạy, bồi dưỡng GV trợ giảng tại đơn vị thụ hưởng" - ông Quốc nói.
Sau thời gian triển khai thí điểm, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT thành phố, sở sẽ có các đợt đánh giá, góp ý, rút kinh nghiệm về tổ chức, quản lý, chuyên môn giảng dạy và nền tảng hỗ trợ. Trên cơ sở đó, sẽ có những chỉ đạo mở rộng mô hình, bao gồm mở rộng phạm vi ra các trường tiểu học trên toàn thành phố và mở rộng ra nhiều môn học khác ở bậc tiểu học. Xem mô hình lớp học số như một giải pháp căn cơ, kịp thời hỗ trợ các đơn vị thiếu GV khi thực hiện chương trình mới mà các nguồn đào tạo chưa đáp ứng kịp.