- Năm 2023, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) được giao nhiệm vụ tổ chức 8 đợt thi Đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông (HSA) từ tháng 3 đến tháng 6. Với hơn 42.000 lượt thí sinh đăng ký thành công kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQGHN tổ chức ngay trong ngày đầu tiên mở cổng đăng ký trực tuyến, nhiều thí sinh đang lo lắng, phân vân với việc có nên tham gia lớp luyện thi đang được chào mời khắp nơi trên các trang mạng xã hội.
Nhiều nhóm luyện thi THPT quảng cáo khóa học tổng ôn luyện cả 2 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN và TP HCM. Theo đó, nhóm này quảng cáo khóa học chất lượng, mục tiêu bứt phá điểm tối đa 100+ với HSA. Thí sinh theo học khóa này sẽ chinh phục được mọi dạng bài gồm 10 đề tiêu chuẩn, 5 đề nâng cao, 10 đề thực chiến...
Nhiều khóa học trực tuyến quảng cáo chỉ trong 75 ngày có thể nhân đôi cơ hội đỗ trường Top. Bên cạnh các thông tin cập nhật về kỳ thi đánh giá năng lực, các trang luyện thi cũng đăng tải chiêu sinh nhiều khóa ôn thi như khóa giải đề, khóa ôn từng môn, khóa live luyện đề, khóa combo…
Học phí thấp nhất là 149.000 đồng/môn học và cao nhất là khóa giải đề lên đến gần 4 triệu đồng bằng hình thức học trực tuyến, tùy theo từng khóa mà có các hình thức giải đề, có giáo viên hướng dẫn, có kiểm tra và chấm điểm online…
Bên cạnh đó, để thu hút sự quan tâm của thí sinh, nhiều facebook được lập ra, đăng tải các bình luận trên các hội nhóm về việc chia sẻ đề thi, ôn thi khiến cho nhiều thí sinh đứng ngồi không yên với những hoạt động này.
Trước những khẳng định chắc như đinh của các trung tâm, trang luyện thi online giúp thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực sắp tới, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN khẳng định: ĐHQGHN không tổ chức hay liên quan tới bất cứ một hình thức ôn luyện nào với kỳ thi đánh giá năng lực.
Ông Nguyễn Tiến Thảo cho biết, ĐHQGHN không liên kết với bất cứ tổ chức, trung tâm, cá nhân nào trong việc cung cấp bộ đề, ôn luyện cho thí sinh dự thi đánh giá năng lực. Với tất cả đội ngũ giáo viên, giảng viên tham gia làm đề thi đánh giá năng lực cũng đều cam kết với đơn vị không tham gia dạy thêm, ôn luyện thi cho thí sinh.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Thảo, đề luyện thi được quảng cáo có thể dựa vào các bài thi tham khảo hoặc cóp nhặt đề thi của trường này, trường kia khiến thí sinh cảm tưởng đề luyện thi giống đề thi thật. Tuy nhiên, với đề cóp nhặt kiểu này sẽ thiếu tính hệ thống hóa, học sinh giải các đề này cảm thấy chỗ rất khó, câu lại quá dễ không đúng với ma trận đề thi chính thống.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, để đạt kết quả cao của kỳ thi này, thí sinh không cần tham gia bất cứ hình thức luyện thi nào mà chỉ cần làm quen với dạng bài thi qua đề thi tham khảo đã được công bố và củng cố kiến thức các môn học bậc phổ thông.
Thí sinh cần hệ thống hóa kiến thức lớp 11, 12, có sự kết nối giữa các khoảng kiến thức, hiểu về khái niệm, bản chất, ứng dụng… Các em nên đọc kỹ bài học, trao đổi với bạn bè và tìm hiểu về những ứng dụng. Kinh nghiệm giúp các thí sinh đạt điểm cao là khả năng đọc hiểu tốt, xử lý tốt, logic hóa tốt...