- Ngày 21/2 vừa qua, hai nhóm dự án của sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) chính thức vào Vòng chung kết toàn quốc của cuộc thi Học sinh, Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV-STARTUP) lần thứ 5 do Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức. Đó là nhóm dự án LEFU - Website hỗ trợ sinh viên Khoa Pháp ULIS và nhóm dự án MASHMALLOW - Quán cà phê học tập, làm việc có tích hợp không gian nghỉ ngơi cho sinh viên ULIS.
Hai dự án này đã xuất sắc vượt qua hàng ngàn dự án tiêu biểu trên toàn quốc, trải qua nhiều vòng hội đồng tuyển chọn gắt gao. LEFU là dự án tạo ra một website dành cho sinh viên đang học tập tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp - Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN. Trang web là nơi lưu trữ, kết nối thông tin hữu ích, chính xác từ Nhà trường, các đơn vị liên quan để cung cấp đến sinh viên, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của sinh viên trong việc học tập, sinh hoạt.
Đại diện nhóm dự án, sinh viên Nguyễn Thu Trang (lớp 21F1, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp) cho biết: “Dự án của chúng mình được mang tên LEFU là 4 chữ cái viết tắt của Lifehack pour les Étudiants du département de Français à ULEI. Là 4 sinh viên năm 2 Khoa Pháp, chúng mình thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn mà sinh viên trong khoa đang gặp phải nên nhóm đã quyết định bắt tay tạo nên một website nhằm hỗ trợ kịp thời, giải quyết nhanh chóng những vấn đề của các bạn. Hơn thế, Website của chúng mình còn là “cánh tay phải” đắc lực giúp các thầy cô giáo, đặc biệt là các thầy cô trong Văn phòng Khoa khi phải trả lời, giải quyết nhiều câu hỏi của sinh viên”. Đại diện nhóm cho biết, trong tương lai, nhóm có dự định phát triển dự án ra toàn trường và nếu thành công sẽ có thể nhân rộng phạm vi ở các trường đại học trong toàn quốc.
Với đề tài này, khi được chọn tham dự Vòng chung kết toàn quốc cuộc thi SV-STARTUP lần thứ 5, cả nhóm đều rất tự hào vì đề tài đã khá thành công trong việc thực hiện mục tiêu đem lại những lợi ích cho sinh viên khoa Pháp, đồng thời còn giúp chúng mình được có cơ hội giao lưu học hỏi ở cuộc thi lớn như thế này. Nhóm tác giả hy vọng sẽ có thể phát triển và nhận được nhiều hơn nữa sự ủng hộ trong tương lai.
Marshmallow là không gian hai tầng với ba chức năng chính: cung cấp không gian học tập, không gian nghỉ ngơi và cung cấp đồ ăn, nước uống với giá cả hợp lý. Nhóm sinh viên thực hiện: Nguyễn Linh Chi, Tạ Thị Ngọc Hương, Nghiêm Thị Mai Ngọc, Trần Thị Như Ngọc, Nguyễn Hồng Nhung (QH2020 Khoa SPTA và Khoa NN&VH Nhật Bản); GVHD cô Lê Thuỳ Anh (khoa ĐT&BD Ngoại ngữ).
Nhóm tác giả cho biết việc lựa chọn đề tài này là do hiện nay, xu hướng học tập và làm việc một cách tối ưu hoá đang là lựa chọn cũng như nhu cầu phù hợp với xu thế phát triển nhanh và đổi mới. Đánh giá các mô hình tích hợp trên nhiều lĩnh vực khác nhau như mua sắm, ăn uống…, nhóm đã lựa chọn học tập và làm việc gắn với chăm sóc sức khỏe dành cho sinh viên - đối tượng gần gũi và mật thiết nhất đối với từng cá nhân của nhóm để làm tiền đề xây dựng dự án.
Dự án được chắt lọc dựa trên những thế mạnh điển hình của các mô hình cung cấp dịch vụ về địa điểm học tập, nghỉ ngơi và ăn uống, cho ra một tổ hợp thống nhất. Ý tưởng được nhóm nhận định không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc ở mức thuận tiện mà còn tạo ra không gian thoải mái, tiện lợi hỗ trợ cải thiện và bảo vệ sức khỏe cho những đối tượng đang học tập và làm việc ở cường độ cao. Dự án ở những bước đầu được định hướng ở phạm vi nhỏ và cá nhân mình cùng cả nhóm không đặt quá nhiều kỳ vọng mà muốn thông qua đó có được một số trải nghiệm và kinh nghiệm. Khi biết dự án Marshmallow của mình được vào vòng chung kết, mình cảm thấy như vỡ òa, hơn cả mong đợi nhưng ẩn sâu trong đó có một chút lo lắng cho vòng thi quan trọng sắp tới. Mình hy vọng cuộc thi sẽ tiếp tục được duy trì trong những năm tới với những chủ đề độc đáo và mới mẻ để ươm mầm thật nhiều ý tưởng dự án xã hội hữu ích cho cộng đồng.
SV-STARTUP được triển khai nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa, chuyển đổi số, thương mại hóa hình thành các dự án khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục; Tạo môi trường để học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, giải pháp, dự án khởi nghiệp tạo giá trị cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội; Giải quyết các vấn đề của cộng đồng, xã hội, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội; Tìm kiếm và hỗ trợ các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Vòng thi Chung kết dự kiến tổ chức vào cuối tháng 3. Các đội thi vượt qua Vòng Đào tạo, tham dự Vòng chung kết sẽ tham gia trưng bày các sản phẩm, ý tưởng, dự án khởi nghiệp tại các gian hàng theo các chủ đề được Ban Tổ chức bố trí tại Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia lần thứ 5.