Trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới, sắp xếp đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Toàn cảnh phiên họp 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng |
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, cùng với việc việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp Quốc hội, công tác lập pháp, công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, nhân sự, chế độ chính sách theo đề nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước (nếu có)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc trình Quốc hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Cho ý kiến về việc chuẩn bị và trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định việc phân bổ, sử dụng số tăng thu, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2022 (nếu có) và một số nội dung liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách thuộc thẩm quyền; xem xét, quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới, sắp xếp đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Xem xét, quyết định các vấn đề khác thuộc thẩm quyền.
Theo Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, nguyên tắc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đó là:
Khuyến khích việc nhập các đơn vị hành chính cùng cấp. Thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính chỉ thực hiện trong các trường hợp cần thiết và phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
Phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt;
Bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp; phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương;
Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
Bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương; tạo sự thuận tiện cho Nhân dân;
Cùng với đó, việc giải thể đơn vị hành chính chỉ thực hiện trong các trường hợp sau đây:
Do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương hoặc của quốc gia;
Do thay đổi các yếu tố địa lý, địa hình tác động đến sự tồn tại của đơn vị hành chính đó.
(Lao động)
https://laodong.vn/thoi-su/xem-xet-dieu-chinh-dia-gioi-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-duoi-tinh-thanh-pho-1141311.ldo