- Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Đặc khu Liên bang Brasilia sau khi hàng ngàn người ủng hộ người tiền nhiệm cánh hữu của ông - cựu Tổng thống Jair Bolsonaro, tràn vào Quốc hội, Tòa án Tối cao và Cung điện Planalto của Tổng thống trong một âm mưu nhằm tìm cách thực hiện một cuộc đảo chính.
Nhà lãnh đạo cánh tả Luiz Inacio Lula da Silva – người vừa mới nhậm chức vào tuần trước, hôm qua (8/1) đã ra sắc lệnh chỉ định Bộ trưởng Tư pháp Ricardo Garcia Capelli dẫn dắt chiến dịch “can thiệp của liên bang” vào cuộc hỗn loạn hiện nay. Sắc lệnh của tân Tổng thống Lula đã trao cho ông Capelli quyền yêu cầu cả các cơ quan dân sự lẫn quân sự cung cấp “các phương tiện cần thiết để đạt được mục tiêu can thiệp.”
Phạm vi của sắc lệnh sẽ hết hạn vào cuối tháng và được giới hạn ở Quận Liên bang của Brasilia. Mục đích của sắc lệnh này là “chấm dứt tình trạng gây tổn hại nghiêm trọng đến trật tự công cộng ở Tiểu bang trong Quận Liên bang, được đánh dấu bằng các hành vi bạo lực và xâm phạm các công trình công cộng.”
Để đạt được mục tiêu đó, Bộ trưởng Tư pháp Capelli có thể kêu gọi “các nguồn lực tài chính, công nghệ, cơ cấu và nhân lực của Đặc khu Liên bang” – bao gồm cả quân đội và cảnh sát khi cần thiết.
Đến tối Chủ nhật (8/1), sau nhiều giờ đụng độ và hàng trăm vụ bắt giữ, cảnh sát chống bạo động đã giành lại quyền kiểm soát các tòa nhà chính phủ bằng cách sử dụng hơi cay và vòi rồng. Bộ trưởng Tư pháp Brazil thông báo rằng ít nhất 200 người đã bị giam giữ. Bộ trưởng Tư pháp Capelli cảnh báo rằng các vụ bắt giữ có thể tiếp tục suốt đêm, vì các nhà chức trách đang cố gắng xác định những người liên quan đến cái mà ông này gọi là hành động “khủng bố” và âm mưu “đảo chính”.
Với tuyên bố sẽ khiến những kẻ chịu trách nhiệm cho sự hỗn loạn này phải “trả giá bằng sức mạnh của pháp luật” trong một bài phát biểu được phát trên mạng xã hội của mình, Tổng thống Lula cam kết sẽ tìm hiểu tận cùng “ai là những nhà tài trợ” của đám đông người biểu tình – hầu hết đều được trang bị trang phục có màu cờ Brazil. Những người này đã lao qua hàng rào và xông vào các tòa nhà chính phủ.
Tổng thống Lula tố cáo những người biểu tình là “những kẻ phá hoại và phát xít”, đổ lỗi cho người tiền nhiệm Bolsonaro vì đã lấp đầy đầu những người biểu tình bằng các tư tưởng của chủ nghĩa cực đoan. Những người ủng hộ cựu lãnh đạo Brazil đã tổ chức làn sóng biểu tình hỗn loạn kể từ khi ông này thua sít sao trước ông Lula trong cuộc bầu cử vào tháng 10 vừa rồi. Lực lượng biểu tình đã chặn đường, đốt xe và thậm chí có lúc bao vây một cơ sở quân sự để cố gắng thuyết phục những người lính bên trong đứng dậy và biểu tình, khôi phục lại chính quyền của ông Bolsonaro.
Cựu Tổng thống Bolsonaro đã rời Brazil vài ngày trước buổi lễ bàn giao truyền thống đưa ông Lula lên làm Tổng thống mới thay vì hợp pháp hóa chiến thắng của phe cánh tả bằng cách xuất hiện, khẳng định rằng thất bại của ông là không công bằng ngay cả khi ông lên án các cuộc biểu tình bạo lực đã xảy ra. Tổng thống Lula đã đổ lỗi diễn biến mà anh ta mô tả là bạo lực "chưa từng có" cho đối thủ của mình, tuyên bố "đây cũng là trách nhiệm của ông ta và của các bên thuộc về ông ta."
Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng ủng hộ cho ông Lula và lên án cuộc bạo loạn ở Brazil.
Tổng thống Colombia Gustavo Petro, là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của khu vực lên tiếng chỉ trích cuộc khủng hoảng mà ông gọi là âm mưu đảo chính ở Brazil. “Chủ nghĩa phát xít quyết định thực hiện một cuộc đảo chính. Cánh hữu đã không thể duy trì hiệp ước bất bạo động,” ông Petro đã viết như vậy trên Twitter vào ngày hôm qua đồng thời kêu gọi Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp về việc này.
Trong khi đó, Tổng thống Alberto Fernandez của Argentina tuyên bố rằng quốc gia của ông sát cánh “cùng với người dân Brazil để bảo vệ nền dân chủ và không bao giờ cho phép sự quay trở lại của những bóng ma đảo chính do cánh hữu thúc đẩy.”
Tổng thống Mexico, ông Andres Manuel Lopez Obrador, cũng mô tả sự hỗn loạn là một "âm mưu đảo chính đáng trách và phản dân chủ", cáo buộc "các nhà lãnh đạo của thế lực đầu sỏ, những người phát ngôn và những kẻ cuồng tín" kích động tình trạng bất ổn.
Tổng thống Chile Gabriel Boric đã chỉ trích vụ việc là một "cuộc tấn công hèn hạ và xấu xa vào nền dân chủ", đồng thời bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với chính phủ Brazil.
Nhà lãnh đạo Venezuela Nicolas Maduro bày tỏ tin tưởng rằng người dân Brazil “chắc chắn sẽ đoàn kết để bảo vệ hòa bình và Tổng thống của họ,” đổ lỗi bạo lực cho “các nhóm tân phát xít của ông Bolsonaro.”
Havana cũng bày tỏ tình đoàn kết với “quốc gia anh em” của mình, với việc Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel lên án “các hành vi bạo lực và phi dân chủ xảy ra ở Brazil, với mục đích gây hỗn loạn và không tôn trọng ý chí của người dân”.
Bộ Ngoại giao Ecuador lên án bạo lực là một cuộc tấn công “chống lại khuôn khổ thể chế ở Brazil” và tái khẳng định “sự ủng hộ không hạn chế của đất nước đối với nền dân chủ và chính phủ được bầu hợp pháp.”
Mỹ cũng đưa ra một bình luận ngắn gọn về các sự kiện đang diễn ra ở nước láng giềng Nam Mỹ, trong đó Ngoại trưởng Antony Blinken nói rằng “việc sử dụng bạo lực để tấn công các thể chế dân chủ luôn là điều không thể chấp nhận được”. Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan nói thêm rằng Tổng thống Joe Biden “đang theo sát tình hình và sự ủng hộ của chúng tôi đối với các thể chế dân chủ của Brazil là không thể lay chuyển.”