- ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, không cần quy định “giá trần” trong dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu mà cần tuân theo quy luật của thị trường. Còn về khám bảo hiểm y tế, cần tiến tới bỏ khái niệm “đồng chi trả”…
Quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh trong Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đang được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi phải làm sao vừa phù hợp với khả năng chi trả của người dân, đồng thời đảm bảo đời sống của các nhân viên y tế và hoạt động của các bệnh viện.
Theo đó, về thẩm quyền của Nhà nước (Bộ Y tế) trong định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, hiện có hai loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất: đề nghị Nhà nước (Bộ Y tế) quy định giá tối đa dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước (bao gồm giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực hiện bởi cơ sở thực hiện theo phương thức hợp tác đối tác công tư).
Loại ý kiến thứ hai: đề nghị Nhà nước (Bộ Y tế) quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thanh toán bằng bảo hiểm y tế theo lộ trình, phù hợp khả năng ngân sách nhà nước và chi trả của người dân. Đối với giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, tôn trọng nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu theo nguyên tắc, căn cứ định giá quy định tại Luật này và phương pháp định giá do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, kê khai giá và đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng 02 phương án của Điều 110 về Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và tương ứng với đó là 02 phương án của điểm đ khoản 3 Điều 108 về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước như thể hiện tại dự thảo Luật.
Phát biểu xây dựng Luật, Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội tán thành với quan điểm dịch vụ khám chữa bệnh là dịch vụ đặc thù nên Nhà nước phải quy định rất rõ những bộ phận, yếu tố cấu thành tạo nên giá dịch vụ để tránh tình trạng tùy tiện trong định giá.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, để tự chủ, điều quan trọng nhất là bệnh viện hay cơ sở khám, chữa bệnh phải có đủ khả năng tự quyết định những vấn đề khám, chữa bệnh. Như vậy năng lực về tự chủ hay năng lực về quyết định những vấn đề của bệnh viện phải là điều kiện tiên quyết cho việc quyết định đơn vị đó có tự chủ hay không. Vì vậy, dự thảo phải đưa ra một điều hoặc mục quy định về điều kiện đơn vị khám, chữa bệnh được tự chủ.
Hơn nữa, tự chủ có nhiều mức khác nhau, tuy nhiên trong dự thảo luật này chỉ đề cập đến một loại bệnh viện là tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư, như vậy chưa phát huy, khuyến khích các bệnh viện từ các mức tự chủ thấp lên tự chủ cao.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội |
Về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, hiện nay đang quy định những bệnh viện tự chủ cao nhất được quyền xác định giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong phạm vi khung giá hay mức giá cao nhất của Bộ Y tế quy định. Quy định như vậy, đại biểu cho rằng có 2 điều mâu thuẫn.
Thứ nhất vô hình chung tất cả những dịch vụ y tế của bệnh viện tự chủ đều được xác định một mức giá cao hơn giá do nhà nước quy định, bởi được tự chủ quyết định không vượt quá khung. Như vậy vô hình chung đã loại bỏ cơ hội cho những người thu nhập thấp bởi họ không thể nào tiếp cận được những bệnh viện tự chủ.
Mâu thuẫn thứ hai, theo Đại biểu Cường, là giá dịch vụ cao nhưng không vượt quá khung của nhà nước quy định, sẽ có một số dịch vụ cần sử dụng những biện pháp kỹ thuật cao, cần phải có chi phí nhiều hơn sẽ không thực hiện được. Như vậy, người dân có khả năng chi trả, muốn được sử dụng các dịch vụ cao hơn hẳn cũng không đáp ứng được và phải sang khu vực bệnh viện tư nhân.
“Quy định như vậy vừa loại bỏ cơ hội tiếp cận của người thu nhập thấp, vừa loại bỏ cơ hội, mong muốn được hưởng dịch vụ cao của người thu nhập cao, vừa loại bỏ cơ hội để cho các bệnh viện tự chủ vươn lên, nâng cao trình độ.” – ông Cường phân tích.
Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình thì đề nghị xây dựng và ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu theo hướng giá cả phù hợp với giá trị, tùy theo từng chuyên ngành, từng nhóm, từng loại dịch; xây dựng phương án chi phí của các dịch vụ và quyết định mức giá của từng dịch vụ theo nguyên tắc tính đủ các chi phí và có tích lũy để tái đầu tư giá dịch vụ gắn với chất lượng, phù hợp với thị trường và khả năng chi trả của nhóm đối tượng khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Theo Đại biểu Thu, nười bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh yêu cầu thì sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm y tế theo quy định và thanh toán thêm phần chênh lệch giữa chi phí khám, chữa bệnh dịch vụ yêu cầu và bảo hiểm y tế mà người bệnh chi trả. Bệnh viện thỏa thuận, thống nhất với người bệnh trước khi thực hiện dịch vụ theo yêu cầu trên cơ sở công khai, minh bạch.
Không thể quy định giá trần dịch vụ
Cho ý kiến với Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định nêu rõ cần phân luồng giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Một là giá được bảo hiểm chi trả. Đây là giá được quy định cụ thể cho từng chuyên khoa, phương pháp điều trị. Giá này cần có lộ trình để tính đúng, tính đủ và đặc biệt tiến tới xóa bỏ khái niệm đồng chi trả.
“Đây là một vấn đề rất là quan trọng, Luật cần phải nêu rõ. Đây chính là việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân ở mọi đối tượng và bảo hiểm xã hội, vai trò bảo đảm an sinh. Vấn đề đặt ra là cần bảo đảm cân đối quỹ tương ứng với việc tính đúng, tính đủ trong việc khám chữa bệnh luật nên đưa vào nguyên tắc chung và các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn theo lộ trình.” – ĐB Nguyễn Lân Hiếu nêu quan điểm.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu |
Hai là giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Theo đại biểu, đây là chính là động lực để các bệnh viện thay đổi và phát triển. Do đó, không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật của thị trường.
“Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước cần có các quy định để bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế như về trình độ nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian khám hay là các phẫu thuật can thiệp kỹ thuật đặc biệt.” ĐB Nguyễn Lân Hiếu nói.
Ông cũng đề nghị, đi cùng với đó là việc thanh, kiểm tra, rà soát giá khám chữa bệnh bảo đảm công khai, giải trình tường minh cũng là trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và cơ quan thanh thanh tra, kiểm tra.
Nhà nước cần có cơ chế quản lý giá khám chữa bệnh
Đại biểu Lưu Văn Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk thì lựa chọn phương án 1 và nhấn mạnh: Trong khám chữa bệnh, giá dịch vụ là yếu tố hết sức quan trọng và cũng hết sức đặc thù do hầu như người bệnh không thể thương lượng như các hàng hóa, dịch vụ khác. Do đó Nhà nước cần có cơ chế quản lý phù hợp thông qua việc xác định các yếu tố hình thành giá nguyên tắc tính giá.
Về giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, Đại biểu Lưu Văn Đức cũng cho rằng, nếu không kiểm soát giá khám chữa bệnh theo cầu ở các bệnh viện công thì sẽ dẫn đến tình trạng cơ sở khám chữa bệnh công lập được quyết định giá như cơ sở tư nhân. Điều này là bất hợp lý vì cơ sở vật chất của các bệnh viện công là do Nhà nước đầu tư để phục vụ cho Nhân dân.
Đại biểu tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, trong bối cảnh nước ta chưa thực hiện được bao phủ 100% bảo hiểm y tế của người dân, số người có thu nhập thấp còn nhiều nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa thì Nhà nước vẫn cần quản lý giá khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế công lập, cả khám bảo hiểm y tế và cả khám chữa bệnh theo yêu cầu để bảo đảm quyền được chăm sóc y tế của Nhân dân; để những người yếu thế không bị nghèo khó về chi phí y tế.
Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước thì chỉ rõ: Dự thảo luật chưa làm rõ được nội hàm của các yếu tố cấu thành giá để thể hiện rõ các chi phí này, cũng như chưa nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ giá khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm tính công khai, minh bạch.
Việc quy định như trong dự thảo về các chi phí khám bệnh, chữa bệnh mà người bệnh phải tự trả hoặc trả qua bảo hiểm y tế và việc tách chi phí liên quan đến dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sẽ làm thay đổi về cách tính giá, khám bệnh, chữa bệnh hiện hành và phải thực hiện tính lại toàn bộ giá khám bệnh, chữa bệnh và bóc tách các chi phí liên quan đến trang thiết bị và thuốc đã tính. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cũng phải quy định rõ cụ thể hơn.