- Vừa trải qua kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm, nhưng khi bắt đầu với quỹ đạo công việc, có không ít người cảm thấy mệt mỏi, uể oải hay trống rỗng.
Lên kế hoạch công việc cụ thể
Chính thức gác lại những ngày nghỉ ngơi để nhường chỗ cho những kế hoạch, dự định mới. Có không ít người cảm thấy ngoại ngần, uể oải khi bắt tay vào những công việc thường ngày.
Vì vậy, để có một tinh thần phấn chấn, hứng khởi, động lực khi bắt tay vào công việc, bạn hãy lên kế hoạch công việc cụ thể, đó là liệt kê tất cả những công việc cần làm mỗi ngày, trong đó ưu tiên công việc quan trọng.
Dân gian có câu "Tháng Giêng là tháng ăn chơi", điều này đồng nghĩa tháng đầu năm luôn có nhiều hội hè, lịch ăn uống, gặp mặt đầu xuân, những phát sinh thế này có thể làm gián đoạn công việc. Do đó, để kiểm soát tiến độ và hiệu quả công việc, bạn cũng cần lên kế hoạch cho những lịch "ăn chơi" để chủ động thời gian và sắp xếp công việc cụ thể.
Thể dục thể thao vừa sức
Ăn chơi thỏa thích, xả láng là tâm lý chung của chúng ta trong dịp nghỉ lễ. Đặc biệt, Tết Nguyên đán ở miền Bắc lại diễn ra đúng thời gian lạnh giá nhất mùa đông khiến người dân càng có cớ chủ quan, lười vận động.
Tuy nhiên, việc lười vận động lại là một trong những lý do khiến bạn trì trệ, ngại làm viêc. Để bắt đầu thích ứng quồng quay công việc bận rộn năm mới, hành trình mới, bạn đừng quên làm quen với những bài tập thể dục vừa sức để "xốc" lại sự dẻo dai, bền bỉ của mình.
Chế độ nghỉ ngơi hợp lý
Mỗi dịp nghỉ Lễ/ Tết không thể tránh khỏi việc thức khuya, ngủ nướng, hoặc có thể là ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Thói quen sinh hoạt này làm đảo đồng hồ sinh học khiến cơ thể tiêu hao nhiều sức lực, gây mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu.
Vì vậy, ngủ sớm, ngủ đủ giấc sẽ giúp cơ thể lấy lại năng lượng và sự hồi phục sức lực, tỉnh táo, cũng như tạo sự hứng khởi khi bắt tay vào công việc mỗi ngày.
Thiết lập chế độ ăn uống "thường ngày"
Từ bao đời, mỗi dịp Lễ/Tết luôn gắn liền với những bữa ăn tụ tập, "nạp" vào cơ thể các món ăn giàu dinh dưỡng của những mâm cao, cỗ đầy.
Theo các chuyên gia y tế sự buông lỏng chế độ ăn uống là nguyên nhân khó kiểm soát tăng cân, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe, nhất là người có bệnh lý mạn tính.
Để cơ thể khỏe mạnh, chế độ ăn uống khoa học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, do vậy, người dân nên thiết lập những thói quen ăn uống thường ngày như sau:
Uống đủ nước mỗi ngày: Mỗi ngày nên cung cấp cho cơ thể 1,5 lít nước giúp bù đắp lượng nước cần thiết và giúp cơ thể giải tỏa mệt mỏi.
Thực hiện chế độ ăn uống healthy như tăng cường rau xanh, thực phẩm giàu chất xơ (các loại đậu xạnh, đậu đỏ, đậu que, đậu đũa, bắp cải, cà rốt, su hào...), trong bữa ăn nên bổ sung thêm cá, rong biển giúp dễ tiêu và không làm tăng lượng calo cho cơ thể, các thực phẩm ít béo được xếp vào nhóm ngũ cốc tốt cho sức khỏe (gạo lức, bánh mỳ lúa mạch, khoai, ngô, đậu, đậu phụ…).
Hạn chế đồ chiên, rán dầu mỡ.
Tránh uống bia, rượu.
Dọn dẹp nhà cửa
Trang hoàng nhà cửa, bày biện đồ đạc để đón khách dịp Tết là việc làm không thể thiếu để vừa thể hiện sự đủ đầy, cũng như sự tôn trọng và mến khách của gia chủ.
Kỳ nghỉ đã kết thúc, rất cần lên dây cót tinh thần sẵn sàng làm việc. Bởi vậy, việc dọn dẹp, thu dọn nhà cửa và cất đi những đồ dùng không cần thiết sẽ giúp nhà cửa được sạch sẽ, gọn gàng. Khi đó bạn sẽ có cảm giác cuộc sống thường ngày, từ suy nghĩ đó giúp lấy lại tinh thần làm việc hăng say trở lại.
Kiểm tra sức khỏe sau Tết
Chế độ ăn uống bất thường, thả ga, ít vận động và giờ giấc sinh hoạt đảo lộn là những yếu tố đe dọa sức khỏe, nhất là các bệnh lý mạn tính như đường máu, mỡ máu, men gan, huyết áp cao...
Chuyên gia y tế khuyến cáo nếu không được kiểm soát, những người mắc bệnh mạn tính đó có thể chịu gánh nặng bệnh tật khôn lường gây nên như:
Đường máu cao: Có thể là nguyên nhân gây mù lòa, suy thận, đoạn chi, đột quỵ, thậm chí tử vong.
Men gan tăng cao: Nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ làm cho bệnh nặng hơn, người bệnh có nguy cơ giảm tuổi thọ, thậm chí tử vong.
Mỡ máu tăng cao: Nếu không kiểm soát có thể xuất hiện các biến chứng nguy hiểm về một số bệnh lý như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não…
Ngoài ra, các bệnh lý xương khớp, hen suyễn, dạ dày, ung thư, tim mạch cũng là những bệnh lý mạn tính diễn biến thầm lặng, người dân cần tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để sức khỏe được kiểm soát tốt nhất.