- Năm 2023, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tuyển 5.150 chỉ tiêu, trong đó 150 chỉ tiêu dành cho chương trình chuyển tiếp quốc tế.
Theo PGS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Bách khoa TP.HCM, các phương thức tuyển sinh năm 2023 gồm:
Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT từ 1-5% tổng chỉ tiêu.
Ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi, tài năng của trường THPT năm 2023 theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM 5% tổng chỉ tiêu.
Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM theo danh sách 149 trường THPT trong cả nước từ 5-15% tổng chỉ tiêu.
Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài từ 1-5% tổng chỉ tiêu.
Xét tuyển theo kết quả THPT kết hợp phỏng vấn đối với thí sinh dự tính du học nước ngoài từ 1-5% tổng chỉ tiêu.
Xét tuyển tổng hợp bao gồm các tiêu chí về học lực (kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả quá trình học tập THPT), năng lực khác, hoạt động xã hội từ 75-90% tổng chỉ tiêu.
Sinh viên trường ĐH Bách khoa TP.HCM |
Theo ông Bùi Hoài Thắng, phương thức chủ đạo trong tuyển sinh của trường năm 2023 vẫn xét tổng hợp kết hợp các tiêu chí nhằm phục vụ chiến lược đào tạo xuất sắc của nhà trường và quốc tế hoá. Năm 2022, lần đầu tiên trường tuyển sinh phương thức tổng hợp, nhưng khoảng hơn 43% thí sinh vào trường thuộc top 6% thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực cao, hơn 43% có điểm thi tốt nghiệp THPT từ 26 điểm.
Phương thức xét tuyển tổng hợp sẽ bao gồm các tiêu chí về học lực (kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả quá trình học tập THPT), năng lực khác, hoạt động xã hội. Thí sinh được đánh giá kết hợp bao gồm 3 thành tố và trọng số tương ứng được dùng để xét tuyển. Thành tố học lực chiếm 90%, thành tích cá nhân chiếm 5% và hoạt động xã hội, văn thể mỹ chiếm 5%.
Cụ thể, tiêu chí học lực (90%), bao gồm 3 thành phần là điểm học tập ở bậc THPT (gồm 6 học kì ứng với tổ hợp đăng kí xét tuyển); điểm thi tốt nghiệp THPT (gồm các môn trong tổ hợp xét tuyển); điểm thi đánh giá năng lực.
Tiêu chí thành tích cá nhân (5%): Học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, giải khoa học kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ, chứng chỉ tuyển sinh quốc tế, thành viên trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, tỉnh/thành phố, và các giải thưởng học thuật khác.
Tiêu chí hoạt động xã hội, văn thể mỹ (5%).
Thành tố học lực của thí sinh được tính dựa vào điểm học tập 3 năm THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực. Hội đồng tuyển sinh sẽ quyết định cách quy đổi giữa điểm học THPT, điểm thi THPT, điểm thi đánh giá năng lực cũng như quyết định trọng số dựa vào phổ điểm thi.