- Sở GD-ĐT Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các trường học huy động sự tham gia của phụ huynh trong việc giám sát an toàn thực phẩm ở trường học nhằm đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh.
Các cơ sở giáo dục không để cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm đưa thực phẩm, suất ăn vào trường học; đồng thời huy động sự tham gia của phụ huynh trong việc giám sát an toàn thực phẩm trong trường học.
Đây là những lưu ý Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh trong văn bản gửi các cơ sở giáo dục trên địa bàn ngày 6/12, nhằm tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong trường học.
Ảnh minh họa |
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đánh giá, thời gian vừa qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm được các cơ sở giáo dục quan tâm, thực hiện tốt các quy định, tạo môi trường an toàn cho người học.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn những quy định và đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người học khi tổ chức bữa ăn học đường, Sở đề nghị các trường học thực hiện nghiêm túc quy định liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố giao cho thủ trưởng các đơn vị trường học chịu trách nhiệm kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn và cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căngtin trong trường học bảo đảm an toàn theo quy định, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Các đơn vị sử dụng nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn, đảm bảo kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm sử dụng tại các bếp ăn, căngtin trường học.
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục cần kiểm soát chặt chẽ các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định.
Đặc biệt, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố lưu ý, các trường không để cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cung cấp thực phẩm, suất ăn cho các trường học.
Với các bếp ăn, căngtin trong trường học, các trường cũng phải có các giải pháp tự kiểm tra về an toàn thực phẩm.
Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục-Y tế sẽ tiếp tục được tăng cường; cùng với đó các đơn vị huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học. Qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho học sinh.
Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1.830 trường có bếp ăn tập thể và gần 490 trường sử dụng suất ăn công nghiệp. Công tác quản lý, giám sát đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố thực hiện.
Cùng với tập huấn, hướng dẫn các trường về thực hiện an toàn thực phẩm, công tác kiểm tra, giám sát của liên ngành Giáo dục-Y tế về an toàn thực phẩm trong trường học tiếp tục được tăng cường và thực hiện đột xuất.
Việc tự giám sát của các trường cùng với sự tham gia của phụ huynh cũng được các trường chú trọng/.