- TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung triển khai quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy để phát triển vận tải hành khách, khách du lịch đường thủy.
Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh vừa phối hợp Sở Du lịch tổ chức Hội thảo “Phát triển vận tải hành khách, kết hợp du lịch bằng đường thủy trên địa bàn TP.HCM”.
Theo ông Bùi Hoà An - Phó Giám đốc Sở GTVT, hiện Thành phố có 251 cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động, trong đó có 151 cảng, bến vận tải hàng hóa, 73 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch và 27 bến khách ngang sông. Các tuyến đường thủy nằm ngay trung tâm TP nên đây là điểm thuận lợi các tàu khách quốc tế (tàu biển) với lượng khách du lịch lớn có thể vào ngay trung tâm TP tại khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, bến Bạch Đằng.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở GTVT, vẫn còn một số khó khăn như quỹ đất dùng để đầu tư xây dựng cảng, bến, dịch vụ hậu cần kỹ thuật phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch còn hạn chế; Chưa có cơ chế về giao, cho thuê đất để đầu tƣ xây dựng bến thủy nội địa phục vụ phát triển vận tải hành khách, du lịch; Quy hoạch cảng thủy nội địa hành khách khu vực TP. HCM chỉ ở phạm vi khu vực, chưa xác định rõ quy hoạch vị trí, tuyến sông, quy mô, cỡ tàu, công suất cụ thể của các cảng thủy nội địa hành khách…
Sắp tới, TP sẽ tập trung triển khai quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy để phát triển vận tải hành khách, khách du lịch đường thủy.
Sắp tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung phát triển vận tải hành khách đường thủy |
Đóng góp ý kiến, PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường đại học Việt Đức), cho rằng TP.HCM có thế mạnh là mạng lưới đường thủy dày đặc cùng với bề dày văn hóa lịch sử lâu đời, nơi mà có thể thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, hiện ngân sách đầu tư cho đường thủy rất hạn chế, chỉ chiếm 5% so với đường bộ.
TS Vũ Anh Tuấn cho biết, hiện nay, tại nhiều quốc gia trên thế giới có hệ thống đường thủy rất phát triển, chia sẻ được lượng lớn hành khách cho đường bộ. Họ tổ chức đồng bộ, kết nối đa phương thức bao gồm kết nối đường sắt, xe buýt, xe đạp, xe buýt nhanh…
Để đường thủy TP phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có, TS Vũ Anh Tuấn cho rằng, TP cần nghiên cứu quy hoạch tổng thể, tháo gỡ nhiều vướng mắc như quy hoạch bến thủy, tạo cơ chế thu hút đầu tư. Trước tiên phải khảo sát đánh giá thị trường thật chi tiết dựa trên nhu cầu người dân, tình hình thực tế… từ đó, có thể mở đường ven sông, mở phố đi bộ dọc sông, đường riêng cho xe đạp để làm sao kết nối với buýt đường sông và tạo không gian công cộng cho người dân thưởng thức.
Đại diện Công ty Cổ phần In Holdings cho rằng việc khai thác du lịch đường sông hiện nay còn rất hạn chế, do chưa có sản phẩm hấp dẫn, chưa quy hoạch các tuyến điểm, chưa có hệ thống các cầu cảng chuyên dụng cho khách du lịch, chưa khai thác các loại hình dịch vụ phụ trợ, chưa có chiến lược xúc tiến quảng bá, đặc biệt chưa có giải pháp thích hợp để kêu gọi đầu tư, mà chủ yếu là các doanh nghiệp tự khai thác nên chưa đồng bộ.
Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường khẳng định, TP.HCM rất tâm huyết phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch thủy nội địa, liên tỉnh trong thời gian tới. Phó Chủ tịch TP yêu cầu Sở GTVT, Sở Du lịch tổng hợp lại toàn bộ đề xuất của chuyên gia, doanh nghiệp báo cáo UBND TP.HCM. Từ đó đặt ra những nhiệm vụ cụ thể để khai thác hiệu quả vận tải thủy, du lịch thủy trong thời gian tới, trước hết tập trung xem xét hoàn chỉnh quy hoạch bến thủy. Các quận, huyện sớm cập nhật quy hoạch khai thác đường thủy. Ưu tiên một số điểm quy hoạch luồng tuyến, bến bãi... không quá dàn trải.
Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường khẳng định UBND TP.HCM sẽ cùng các sở ngành nghiên cứu tạo điều kiện doanh nghiệp ra mắt sản phẩm du lịch thủy, vận tải thủy mới phát huy tối đa tiềm năng đường thủy.