- Các trường được yêu cầu không soạn đề cương, bài mẫu bắt buộc học sinh làm, không tổ chức học thuộc lòng bài mẫu.
Sở GD&ĐT TP.HCM vừa ra thông báo hướng dẫn công tác tổ chức kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I cấp tiểu học năm học 2022-2023. Theo đó, việc tổ chức ôn tập ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà với học sinh học hai buổi một ngày; không soạn đề cương, bài mẫu bắt buộc học sinh làm, học thuộc lòng bài mẫu. Giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh cách tự học, ôn tập.
Riêng đối với lớp 1, 2, 3 (đang thực hiện theo Chương trình 2018), đề kiểm tra phù hợp yêu cầu đạt của chương trình đối với từng khối lớp, từng mạch kiến thức, kỹ năng và cách triển khai các mạch này trong sách giáo khoa.
Nhà trường sử dụng gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo các mức. Mức 1 là nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập. Mức 2 là kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự; mức 3 là vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.
Mục tiêu của kiểm tra cuối kỳ nhằm đánh giá sự tiến bộ của học sinh. Vì thế, Sở GD&ĐT TP. HCM yêu cầu các trường coi trọng việc động viên cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh kịp thời, công bằng, khách quan. Các trường xem đây như một hoạt động đánh giá thông thường, tuyệt đối không chạy theo thành tích để đối phó, gây áp lực, căng thẳng cho giáo viên, học sinh và gia đình.
Đối với thời gian tổ chức kiểm tra định kỳ các môn học và hoạt động giáo dục căn cứ vào phân phối chương trình, chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng khối lớp. Tuy nhiên các Phòng GD&ĐT ở TP.HCM có thể linh hoạt bố trí tránh cận các ngày lễ được Nhà nước quy định trong năm học và các ngày có ý nghĩa khác. Thời gian kiểm tra do các phòng giáo dục dẫn, các trường tiểu học sắp xếp sao cho hợp lý, phù hợp, cân đối giữa các khối lớp theo kế hoạch năm học.
Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên học sinh lớp 1 được đào tạo theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để thống nhất với Chương trình GDPT mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 27 về đánh giá học sinh tiểu học với nhiều điểm mới đáng chú ý. Trong đó, yêu cầu đánh giá học sinh thông qua đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục và những biểu hiện phẩm chất, năng lực của học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.
Đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.
(tổng hợp)