- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp chủ động kiểm tra, xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, không “trông chờ, nghe ngóng” kết luận của các cơ quan thanh tra, điều tra, “rõ đến đâu xử lý đến đó”…
Kỷ luật 1.142 đảng viên
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Nguyễn Chí Lực cho biết, trong năm qua, Thành ủy và các cấp ủy đã triển khai hoàn thành kế hoạch kiểm tra, giám sát. Cụ thể, đã kiểm tra đối với 1.590 tổ chức đảng, 599 đảng viên; giám sát đối với 949 tổ chức đảng và 575 đảng viên. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng; việc thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ; việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tác cán bộ, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm thiết bị y tế…
Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp ủy đã kiểm tra 344 đảng viên và 145 tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra việc thi hành kỷ luật đối với 487 tổ chức đảng cấp dưới; giám sát chuyên đề đối với 888 tổ chức đảng và 22 đảng viên…
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 22 tổ chức đảng (trong đó, khiển trách 19, cảnh cáo 3); thi hành kỷ luật 1.142 đảng viên (khiển trách 853, cảnh cáo 144, cách chức 14, khai trừ 131 trường hợp).
Thành ủy cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại trong công tác kiểm tra, giám sát, như một số cuộc kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên cơ sở và cấp cơ sở có nơi lựa chọn nội dung còn dàn trải, chưa toàn diện, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ;
Công tác nắm tình hình, phát hiện dấu hiệu vi phạm của một số ủy ban kiểm tra chưa hiệu quả, không kịp thời đề xuất kiểm tra trong khi một số địa phương, đơn vị vẫn có những vấn đề phức tạp được báo chí, dư luận phản ánh. Công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán chưa thường xuyên, còn hạn chế, nhiều kết luận chậm thực hiện, khắc phục, sửa chữa không dứt điểm…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Chủ động xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, không “trông chờ, nghe ngóng”
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết cho biết, năm 2023, ngoài nội dung kiểm tra, giám sát thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công phụ trách, Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, trong năm 2023, Thành ủy sẽ thực hiện 1 cuộc kiểm tra và 2 cuộc giám sát.
Cụ thể, Thành ủy sẽ kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện sau kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của Trung ương và Thành phố. Thời gian kiểm tra trong quý I. Ban Thường vụ Thành ủy sẽ trực tiếp kiểm tra tại 10 tổ chức cơ sở đảng.
Hai cuộc giám sát sẽ được thực hiện trong quý II và quý III với trọng tâm là công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện 2 nghị quyết chuyên đề của Thành ủy. Đó là Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/5/2021 về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo và Nghị quyết số 09- NQ/TU ngày 22/2/2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại mỗi cuộc giám sát, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ trực tiếp giám sát tại 10 tổ chức cơ sở đảng.
Phát biểu tại Hội nghị, lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm công tác kiểm tra, giám sát năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Văn Trà đề nghị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và các cấp ủy cần tiếp tục chú trọng kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, cùng với đó, đẩy mạnh giám sát chuyên đề, kịp thời phát hiện vi phạm để chấn chỉnh, khắc phục, sửa chữa…
Kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tập trung thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, trong đó đặc biệt là tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, như quản lý, sử dụng tài chính công; đấu thầu, mua sắm tài sản công; quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng; công tác cán bộ…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị, tăng cường phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử của Nhà nước; chủ động kiểm tra, xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, không “trông chờ, nghe ngóng” kết luận của các cơ quan thanh tra, điều tra, “rõ đến đâu xử lý đến đó”…