Tổ xác minh của Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho rằng, Trường THCS và THPT Tân Lộc đã vận động xã hội hóa nhiều khoản với tổng tiền hơn 1,1 tỷ đồng không đúng quy định.
Trường THCS-THPT Tân Lộc (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Ảnh: Báo Giao thông |
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau vừa có văn bản thông báo kết quả xác minh nội dung đơn của tập thể phụ huynh học sinh Trường THCS và THPT Tân Lộc, huyện Thới Bình (gọi tắt là trường) về việc trường đã vận động xã hội hóa hơn 1,1 tỷ đồng không đúng quy định.
Thông báo xác định nội dung phản ánh của tập thể phụ huynh học sinh trường là đúng. Trường đã vận động xã hội hóa để mua camera, tivi và một số trang thiết bị khác trong điều kiện dịch bệnh chưa phải là nhu cầu cấp thiết, gây khó khăn cho phụ huynh. Hiệu trưởng trường đã giao chỉ tiêu cho giáo viên chủ nhiệm thu mỗi lớp trên 10 triệu đồng là không đúng quy định.
Kết quả xác minh cho thấy, trong năm học 2021-2022, trường có lập các loại hồ sơ nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt công tác vận động xã hội hóa giáo dục. Trường có biên bản tiếp nhận nhưng chưa mở sổ tiếp nhận tài trợ, đồng thời chưa thực hiện việc công khai và quyết toán nguồn tiền vận động theo quy định; phiếu thu hỗ trợ làm khung bảng 21 phòng học (bảng trượt) chưa ghi ngày tháng; một số mục chi thiếu chứng từ hoặc chứng từ chưa đúng theo nguyên tắc tài chính; việc công khai, minh bạch và quyết toán nguồn tiền vận động xã hội hóa chưa theo quy định.
Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau kết luận, việc vận động xã hội hóa là trách nhiệm của Hiệu trưởng, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ phối hợp vận động. Do đó, Trưởng ban đại diện ký, xác nhận các phiếu chi là chưa đúng theo hướng dẫn quy định.
Liên tiếp trong hai năm học là 2020-2021 và 2021-2022, trường vận động xã hội hóa hơn 731 triệu đồng; vận động các nhà hảo tâm bên ngoài nhà trường ủng hộ hơn 417 triệu đồng. Tổng số tiền vận động là 1,149 tỉ đồng.
Nhà trường sử dụng tiền thu được để phục vụ cho nhiều việc trong mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy và quản lý nhưng chưa có hóa đơn chứng từ hoặc các hóa đơn chứng từ có nhưng bị tẩy xóa, chỉnh sửa ngày tháng không phù hợp với thời điểm mua sắm.
Việc thu tiền vệ sinh nhà trường có lấy ý kiến và được sự đồng thuận của phụ huynh. Tuy nhiên, việc vận động thu tiền để phục vụ cho việc thuê, mướn dọn dẹp vệ sinh trường, lớp (30 triệu chi cho 3 người dọn dẹp vệ sinh trong 4 tháng) là vi phạm điểm b, khoản 4, Điều 10 của Thông tư 55 ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và khoản 2, Điều 3 Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau cho rằng, nhà trường vận động xã hội hóa vào thời điểm sau dịch COVID-19 là chưa phù hợp, việc thu tiền vệ sinh chưa đúng với quy định.
Nhà trường còn sử dụng đất công làm sân bóng đá, căng-tin, quầy văn hóa phẩm, nhà giữ xe khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án là không đúng với quy định của luật Quản lý sử dụng tài sản công.
Trước những khoản thu chưa đúng quy định của trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau chỉ đạo trường dừng ngay việc vận động xã hội hóa, thu tiền vệ sinh và các khoản thu dịch vụ khác khi chưa có ý kiến phê duyệt cấp có thẩm quyền. Nhà trường phải khẩn trương lập các đề án có sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sở sẽ chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh việc các đơn vị có sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng chưa có đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong toàn ngành.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau sẽ làm rõ trách nhiệm, xem xét kiểm điểm trách nhiệm đối với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong công tác quản lý, điều hành đơn vị để xảy ra những hạn chế, thiếu sót nêu trên.
Theo VTV
https://vtv.vn/giao-duc/so-gddt-ca-mau-chan-chinh-viec-van-dong-xa-hoi-hoa-khong-dung-quy-dinh-20221203004514432.htm