- Triều Tiên hôm qua (18/12) tiếp tục có hành động thách thức Mỹ và các đồng minh khi phóng đi một cặp tên lửa đạn đạo với tầm bắn có thể vươn tới Nhật Bản. Đây có thể là một động thái nhằm phản ứng với việc Tokyo áp dụng một chiến lược an ninh mới có tính cứng rắn hơn với Triều Tiên và Trung Quốc.
Ảnh minh họa |
Các vụ phóng tên lửa diễn ra hai ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố đã thực hiện một cuộc thử nghiệm quan trọng và cần thiết để chế tạo một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mạnh hơn, cơ động hơn được thiết kế để tấn công lục địa Mỹ.
Hai tên lửa của Triều Tiên đã được phóng đi từ khu vực Tongchangri phía tây bắc của đất nước và nó bay khoảng 500km (310 dặm) ở độ cao tối đa 550km (340 dặm) trước khi rơi xuống vùng biển giữa Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết.
Quân đội Hàn Quốc mô tả cả hai tên lửa là vũ khí tầm trung được phóng ở góc dốc, cho thấy chúng có thể bay xa hơn nếu được bắn theo quỹ đạo tiêu chuẩn. Triều Tiên thường thử tên lửa tầm trung và tầm xa ở góc cao để tránh các nước láng giềng, mặc dù nước này đã bắn một tên lửa tầm trung qua Nhật Bản vào tháng 10, buộc Tokyo phải đưa ra cảnh báo sơ tán và dừng các chuyến tàu.
Trong một cuộc họp khẩn cấp, các quan chức an ninh hàng đầu của Hàn Quốc đã lên án những hành động khiêu khích liên tục của Triều Tiên trong thời gian vừa qua. Theo giới chức Hàn Quốc, chính quyền của Chủ tịch Kim Jong Un đã phóng tên lửa liên tiếp bất chấp "hoàn cảnh khó khăn của người dân – những người đang phải chịu cảnh đói rét vì thiếu lương thực nghiêm trọng." Seoul tuyên bố Hàn Quốc sẽ tăng cường hợp tác an ninh ba bên với Mỹ và Nhật Bản, văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho hay.
Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshiro Ino cũng lên tiếng chỉ trích Triều Tiên về những động thái đe dọa đến sự an toàn của Nhật Bản, khu vực và cộng đồng quốc tế. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cho biết các vụ phóng tên lửa đã cho thấy ảnh hưởng gây mất ổn định của các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt bất hợp pháp của Triều Tiên. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định các cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản “vẫn không thay đổi”.
Ông Kwon Yong Soo - cựu giáo sư tại Đại học Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Triều Tiên có khả năng đã thử tên lửa Pukguksong-2, một biến thể trên đất liền, chạy bằng nhiên liệu rắn của dòng tên lửa Pukguksong có thể phóng từ tàu ngầm. Theo ông Kwon, chi tiết đường bay của vũ khí được Triều Tiên thử nghiệm ngày hôm qua tương tự như chi tiết của hai cuộc thử nghiệm đã biết của tên lửa Pukguksong-2 vào năm 2017.
Ông Kwon cho biết tên lửa Pukguksong-2 có thể bay khoảng 1.200-2.000 km (745-1.240 dặm) nếu nó được phóng theo quỹ đạo bình thường, tầm bắn đủ để tấn công các cơ sở quan trọng ở Nhật Bản, bao gồm cả các căn cứ quân sự của Mỹ ở đó. Một số chuyên gia cho rằng Pukguksong-2 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
“Triều Tiên đã tổ chức một cuộc biểu tình vũ trang bằng phiên bản đất liền của một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mà nó có thể khai hỏa nhanh chóng để đáp trả” chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản”, ông Kwon đã bình luận như vậy.
Một số nhà quan sát cho rằng Triều Tiên có thể đã thử một tên lửa tầm trung mới được phát triển và tên lên lửa này có thể vươn tới Nhật Bản.
Trước đó, hôm 16/12, chính phủ Nhật Bản đã thông qua một chiến lược an ninh quốc gia cho phép họ thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu và tăng gấp đôi chi tiêu quân sự để tạo cho mình một vị thế có đủ lực để tấn công hơn trước các mối đe dọa từ các nước láng giềng như Trung Quốc và Triều Tiên. Đó là một bước đột phá lớn so với nguyên tắc nghiêm ngặt chỉ phòng thủ được đưa ra trong hiến pháp hòa bình của nước này. Chiến lược của Nhật Bản gọi Trung Quốc là “thách thức chiến lược lớn nhất” - trước Triều Tiên và Nga - đối với những nỗ lực của Nhật Bản nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh và sự ổn định.