- Gần 10.000 người mắc sốt xuất huyết ở tỉnh Đắk Lắk và con số này có xu hướng gia tăng.
Ngày 10-12, đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk cho biết đã có báo gửi Sở Y tế về tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh.
Theo CDC Đắk Lắk, hiện có gần 10.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó hơn 7.000 trường hợp do muỗi truyền, 151 người mắc bệnh nặng. Số ca bệnh năm nay tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tỉnh Đắk Lắk cũng ghi nhận có 10 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Cán bộ ngành y tế tuyên truyền để người dân chủ động phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: PLO |
Đặc biệt, năm nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận đủ bốn type huyết thanh gây bệnh sốt xuất huyết. Chính điều này nên khi bệnh nhân trở nặng, tiền sốc, sốc sốt xuất huyết rất dễ xảy ra, gây không ít khó khăn trong phòng, chống dịch.
Nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong gia tăng là do các bệnh nhân có nhiều bệnh nền và chủ quan, mua thuốc uống tại nhà, khi bệnh nặng mới đến cơ sở y tế.
Sở Y tế Đắk Lắk đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) tại cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, ngành y tế đã phân tuyến điều trị sốt xuất huyết phù hợp, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận biết các dấu hiệu nặng của bệnh nhằm điều trị kịp thời, tránh các trường hợp tử vong không đáng có.
Cạnh đó, tăng cường quản lý, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại các bệnh viện, đặc biệt là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Sẵn sàng các loại thuốc và trang thiết bị y tế để kịp thời xử lý các trường hợp nặng.
Nhằm ngăn chặn dịch sốt xuất huyết gia tăng trong những tháng cuối năm, giải pháp quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), xử lý môi trường chung quanh nhà ở và trong khu dân cư, đồng thời tăng cường các lớp tập huấn, triển khai công tác xét nghiệm, chẩn đoán nhanh để triển khai, xử lý các ổ dịch khi phát hiện có bệnh nhân.
Để hạn chế bệnh nhân tử vong do bệnh này gây nên, CDC Đắk Lắk khuyến cáo, người dân khi có các triệu chứng mắc sốt xuất huyết phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời; không tự mua thuốc uống và điều trị tại nhà.
(Tổng hợp)