- Tại buổi Tọa đàm “Giải pháp nào xóa xe dù, bến cóc?”, TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, một số thông tin phản ánh đến Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cho rằng có tình trạng "bảo kê" cho xe dù, bến cóc lộng hành.
“Những bến cóc, xe dù đó "ăn chật" cả những con ngõ, không còn lối đi nhưng vẫn tồn tại được nên rõ ràng có bảo kê, chính quyền cơ sở không thể không biết” - TS. Nguyễn Sỹ Dũng nói.
TS Lưu Bình Nhưỡng |
Phân tích về tình trạng bảo kê, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, loại thứ nhất là bảo kê mang tính quyền lực, tức là bảo kê của các cơ quan công quyền, của những lực lượng chức năng, thậm chí của một số cá nhân cán bộ thoái hóa biến chất.
“Gần đây nhất biết báo chí đưa tin một đại úy công an tại TP.HCM, cũng bình thường thôi, một cấp rất nhỏ trong lực lượng, mà sẵn sàng lập ra đến 47 công ty nhập khẩu, trốn thuế. Chúng ta thấy chỉ một cán bộ thôi mà có thể đứng ra làm những chuyện đó” - ông Lưu Bình Nhưỡng dẫn chứng.
Loại bảo kê thứ hai được ông Lưu Bình Nhưỡng “điểm mặt chỉ tên” là bảo kê ngoại biên, dựa vào sức mạnh và câu chuyện xã hội. Đó chính là các băng nhóm xã hội đen.
“Chúng ta biết một nhóm có thể thành lập ra bãi đỗ, bến đỗ và tự thu tiền. Ở Hà Nội đã xảy ra rất nhiều. Nhiều người dân trả tiền xe rất ít nhưng đến bến đỗ, bãi đỗ của chúng là phải trả thêm nhiều, có khi hàng trăm nghìn” - TS Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đánh giá về hiện tượng bảo kê, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho biết, khi có hiện tượng bảo kê, lực lượng công an bằng các nghiệp vụ phát hiện ra, bên cạnh đó nhận qua tin báo tố giác của người dân.
“Tôi khẳng định rằng tất cả các tin nhắn hay tin báo tố giác đến lực lượng chức năng và có thẩm quyền xử lý hiện tượng liên quan đến cò mồi, bảo kê, tụ tập thành các nhóm để chèn ép hay hành hung hành khách hoặc thậm chí hành hung cả lái xe, phụ xe của những hãng xe khác để ép tham gia hoặc sử dụng xe do hãng mình bảo kê…, các lực lượng chức năng của Bộ Công an, ví dụ cảnh sát hình sự, sẽ nắm bắt, xác minh, làm rõ để đảm bảo các hiện tượng đó được xử lý theo pháp luật.
Về cách thức báo tin, Thượng tá Tạ Hồng Minh cho biết, với tất cả công an sở tại như công an phường, các đường dây nóng của Cục CSGT, Cục Cảnh sát hình sự hoặc thậm chí Cục Cảnh sát điều tra… Người dân có thể tra trên mạng xã hội, có số điện thoại đường dây nóng để cung cấp. Hoặc nhanh nhất là cung cấp thông tin theo số điện thoại 113.
Thượng tá Tạ Hồng Minh đề nghị UBND các tỉnh thành phố căn cứ vào thực tế địa phương, đồng nghiên cứu hoạt động của các bến xe khách, điểm trung chuyển và bố trí những điểm đón trả để phục vụ cho người dân thuận tiện, nhanh chóng.
Thượng tá công an cũng đề nghị đầu tư hạ tầng như camera giao thông, camera giám sát hành trình để xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông.