- Vừa qua Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã diễn ra Lễ Ký Hợp đồng triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) cấp Quốc gia thuộc Chương trình trọng điểm KC.01/21-30 với Đề tài: "Nghiên cứu, xây dựng hệ thống hỗ trợ quản lý giao thông đô thị thông minh sử dụng công nghệ bản sao số" do PGS.TS. Phan Cao Thọ làm Chủ nhiệm Đề tài.
Tham dự buổi Lễ có PGS.TS. Đào Ngọc Chiến-Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước Bộ KHCN; TS. Trần Anh Tú-Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao Bộ KHCN; PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình trọng điểm KC.01/21-30; TS. Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng; Ông Trần Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng; PGS.TS. Phan Cao Thọ-Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐHĐN, Chủ nhiệm Đề tài. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Ban KHCN & Môi trường ĐHĐN, Viện KHCN tiên tiến ĐHĐN; lãnh đạo Hội đồng Trường cùng đại diện lãnh đạo các phòng, khoa, đơn vị trực thuộc của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐHĐN.
Theo PGS.TS. Phan Cao Thọ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị trên thế giới đã và đang được ứng dụng hiệu quả để tạo ra “bản sao số” - Digital Twin (DT) của thế giới thực.
Đây được coi như 1 trong 10 xu hướng công nghệ tiên tiến, có tính chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề hạ tầng giao thông cho các đô thị thông minh trên thế giới mà một số thành phố triển khai, bước đầu đem lại thành công, điển hình như: Amsterdam (Hà Lan), Toronto (Canada), Rennes (Pháp), Singapore hay Amaravati (Ấn Độ).
PGS.TS. Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐHĐN, Chủ nhiệm Đề tài phát biểu |
Đối với Việt Nam, nhu cầu thị trường trong việc ứng dụng các giải pháp quản lý hạ tầng giao thông đô thị thông minh ở các địa phương hiện nay là rất lớn. Không chỉ riêng thành phố Đà Nẵng mà tất cả các tỉnh, thành khác đều có nhu cầu ứng dụng, tổ chức triển khai các dự án ở quy mô, mức độ khác nhau.
Mục tiêu chính của Đề tài nhằm nghiên cứu, ứng dụng tri thức, công nghệ tiên tiến như AI, BigData, IoT, đặc biệt là công nghệ bản sao số DT để phát triển hệ thống hỗ trợ số hóa hạ tầng theo dõi, giám sát phương tiện tham gia giao thông cho đô thị thông minh, PGS.TS. Phan Cao Thọ cho biết.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cấp thiết, theo đặt hàng của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đối với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN, Nhà trường sẽ triển khai thực hiện Đề tài Nghiên cứu, xây dựng hệ thống hỗ trợ quản lý giao thông đô thị thông minh sử dụng công nghệ bản sao số.
Nhóm nghiên cứu sẽ đặc tả các yêu cầu cần thiết trong giải pháp giao thông đô thị thông minh với định hướng ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật hiện đại, phục vụ cho cả cơ quan quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và người tham gia giao thông.
Đại diện các bên ký Hợp đồng triển khai nhiệm vụ KHCN cấp Quốc gia |
Cùng với đó, các nhà khoa học, chuyên gia sẽ xây dựng hệ thống thu nhận và xử lý dữ liệu số từ nhiều nguồn, qua đó hỗ trợ việc giám sát, điều hành và quản lý giao thông đô thị thông minh…
Kết quả nghiên cứu dự kiến đề xuất các giải pháp tổng thể hình thành bản sao số giao thông đô thị thông minh thông qua việc phân tích, xử lý dữ liệu từ nhiều nguồn và các bản đồ số 2D, 3D.
Đề tài còn hướng tới xây dựng sản phẩm hệ thống phần mềm, tích hợp thiết bị phần cứng để hình thành nền tảng hỗ trợ quản lý giao thông thông minh sử dụng công nghệ bản sao số phù hợp với đặc điểm giao thông hỗn hợp nhiều thành phần ở các đô thị Việt Nam; triển khai áp dụng thực tế tại các đô thị điển hình của khu vực miền Trung như thành phố Đà Nẵng và thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
P.V