Mù Cang Chải - điểm sáng về dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong trường phổ thông

0
0

Mù Cang Chải là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, một địa danh điển hình của địa hình miền núi cao hiểm trở. Tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số ở đây chiếm 96,6% tổng số học sinh toàn huyện, trong đó chủ yếu là học sinh người dân tộc Mông. Hơn 60 năm qua, Mù Cang Chải được biết đến là điểm sáng về dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong trường phổ thông.

Hơn 60 năm duy trì hiệu quả dạy tiếng dân tộc thiểu số

Dạy học tiếng dân tộc thiểu số được triển khai rất sớm ở Mù Cang Chải. Từ những năm 60 của thế kỷ XX, khi Chính phủ ban hành bộ chữ Mông, ngành giáo dục ở huyện Mù Cang Chải đã đẩy mạnh việc dạy học tiếng Mông cho học sinh người Mông. Việc dạy tiếng Mông được triển khai ở tất cả các trường tiểu học còn tiếng Mông được dạy không phải với tính chất một môn học mà là ngôn ngữ công cụ.

Hồi đó, tất cả học sinh người Mông khi đi học đều không biết tiếng Việt. Giáo viên không thể sử dụng tiếng Việt để dạy học và càng không thể dùng sách giáo khoa Tiếng Việt để dạy cho học sinh. Trước tình hình đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chỉ đạo tỉnh Nghĩa Lộ cơ cấu lại chương trình học, tài liệu học, đào tạo giáo viên và triển khai dạy học dùng tiếng Mông làm ngôn ngữ công cụ. Tất cả hoạt động dạy học ở vùng người Mông, trong đó có huyện Mù Cang Chải được thực hiện theo mô hình này.

Việc cơ cấu lại chương trình học ở tiểu học được thực hiện như sau: học sinh vào học lớp 1 được học hoàn toàn bằng tiếng Mông. Khi lên các lớp 2, lớp 3, lớp 4 việc học tiếng Mông được thay thế dần bằng tiếng Việt. Cho đến lớp 5 thì hầu hết kiến thức học mới được chuyển hẳn sang tiếng Việt. Cơ cấu chương trình học như vậy đem lại hiệu quả rất cao trước thực tiễn học sinh người Mông chưa biết tiếng Việt. Do hiệu quả của việc cơ cấu lại chương trình mà việc dạy tiếng Mông với tính chất là ngôn ngữ công cụ được duy trì suốt từ những năm 60 đến tận những năm 80 của thế kỷ XX ở vùng người Mông.

Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, trước tình hình dân cư và học sinh người Mông được nâng cao về năng lực tiếng Việt. Việc sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp xã hội và trong giáo dục được nâng lên. Trước tình đó, Bộ GDĐT đã ban hành “Chương trình phổ cập cấp I dành cho học sinh dân tộc ở vùng phát triển giáo dục gặp nhiều khó khăn”. Chương trình này được xây dựng trên cơ sở của chương trình cải cách giáo dục (chương trình 165 tuần) và chỉ dành cho 3 môn học là Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên xã hội và hoạt động tập thể. Chương trình ra đời như là sự “giảm tải”, chuyển cơ cấu từ 165 tuần dùng cho học sinh cả nước xuống còn 120 tuần cho học sinh vùng dân tộc (còn gọi là Chương trình 120 tuần).

Chương trình 120 tuần được xây dựng trên quan niệm coi việc học tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai. Trên cơ sở quan điểm này mà cách dạy học tiếng Việt được tiến hành theo phương châm, lấy dạy nói làm cơ sở cho dạy viết; sau thời gian học nói tiếng Việt, học sinh mới chuyển sang học chữ Quốc Ngữ. Chương trình đã được thực hiện từ năm 1984 cho đến năm 2001, một số nơi khó khăn vẫn dùng cho đến tận năm học 2004 - 2005, sau đó mới chuyển sang dùng sách giáo khoa tiểu học mới. Trong thời gian triển khai chương trình 120 tuần, các địa phương vùng dân tộc Mông được Bộ GDĐT ban hành chương trình dạy tiếng Mông như một môn học (Quyết định số 75/2008/QĐ-BGDĐT ngày 26/12/2008 của Bộ GDĐT về việc ban hành chương trình tiếng Mông cấp Tiểu học) và ban hành bộ sách giáo khoa tiếng Mông (3 quyển) dạy cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5. Bộ sách này được biên soạn và ban hành và thực hiện từ năm 1993- 1994 cho đến nay.

Dù có những thay đổi, thăng trầm, nhưng việc dạy tiếng Mông ở Mù Cang Chải trong trường phổ thông luôn được duy trì suốt từ những năm 60 của thế kỷ XX đến nay. Vào những năm 80, khi cả vùng Tây Bắc không còn nơi nào dạy tiếng dân tộc thiểu số nữa thì ở Mù Cang Chải vẫn tiếp tục dạy tiếng Mông bằng tài liệu do địa phương và các tổ chức phi chính phủ phối hợp biên soạn. Đến năm 1993, khi có bộ sách giáo khoa tiếng Mông thực nghiệm và sách giáo khoa tiếng Mông chính thức do Bộ GDĐT ban hành, việc dạy tiếng Mông được mở rộng và phát triển mạnh.

Bình quân, hàng năm toàn huyện có khoảng 30 trường với trên 100 lớp và khoảng 3.000 học sinh tiểu học được học tiếng Mông. Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện cũng dạy tiếng Mông cho học sinh trung học cơ sở. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số toàn huyện được học tiếng dân tộc chiếm hơn 15% tổng số học sinh của huyện.

Cô và trò Trường TH&THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải trong giờ học (Ảnh: Báo YB)
Cô và trò Trường TH&THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải trong giờ học (Ảnh: Báo YB)

Tích cực triển khai dạy tiếng Mông theo chương trình giáo dục phổ thông mới

Năm 2021, Bộ GDĐT ban hành Thông tư 34/2020/TT-BGDĐT về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn học Tiếng Bahnar, Tiếng Chăm, Tiếng Êđê, Tiếng Jrai, Tiếng Khmer, Tiếng Mông, Tiếng Mnông, Tiếng Thái. Hiện nay Bộ GDĐT đang biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số, trong đó có sách giáo khoa tiếng Mông. Thời gian tới việc dạy học tiếng Mông sẽ được triển khai trong trường phổ thông ở huyện Mù Cang Chải.

Cùng với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 142/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030”, việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số nói chung và tiếng Mông nói riêng sẽ được triển khai bài bản, toàn diện. Tuy nhiên việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số ở Mù Cang Chải thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên dạy tiếng Mông.

Thực trạng hiện nay các trường học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đều thiếu giáo viên. Tỷ lệ giáo viên từ cấp học mầm non đến cấp THCS chưa đảm bảo theo quy định. Theo báo cáo của Sở GDĐT Yên Bái, đến năm học 2022 - 2023, số giáo viên cấp tiểu học trong toàn tỉnh là 4.203 người; tỷ lệ giáo viên/lớp hiện có so với định mức chỉ đạt đạt 86,8%.

Đối với giáo viên dạy tiếng Mông, hiện nay toàn tỉnh chỉ có 18 giáo viên, trong đó chỉ có 2 giáo viên dạy chuyên tiếng Mông, còn lại 16 giáo viên dạy tiếng Mông kiêm nhiệm. Mặt khác, hầu hết giáo viên đang dạy tiếng Mông đều chưa được đào tạo chính quy, chỉ được bồi dưỡng theo chương trình ngắn hạn, chưa được bồi dưỡng chứng chỉ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số nên chưa đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 32/2021/TT-BGDĐT.

Số liệu dự kiến của tỉnh Yên Bái đến năm 2025 cần 156 giáo viên và đến năm 2030 cần 271 giáo viên tiếng Mông. Trong số đó, riêng huyện Mù Cang Chải cần đội ngũ từ 100 đến 150 giáo viên tiếng Mông cho 5 năm và 10 năm tới.

Tỉnh Yên Bái đã nghiêm túc trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ chỉ đạo tốt công tác dạy tiếng dân tộc thiểu số (tiếng Mông). Mới đây khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 142/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030" tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch của tỉnh đã đặt ra mục tiêu và các giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện việc dạy học tiếng Mông được tổ chức bài bản và hiệu quả nhất.

Trong bối cảnh đó, việc dạy học tiếng Mông ở huyện Mù Cang Chải sẽ được tổ chức lại. Việc đào tạo giáo viên tiếng Mông sẽ được quan tâm chú ý. Việc đầu tư cơ sở vật chất, tài liệu, sách giáo quan sẽ được đảm bảo. Chế độ chính sách đối với người dạy và người học sẽ được thực hiện nghiêm túc. Những hoạt động trên sẽ thúc đẩy việc dạy học tiếng Mông ở Mù Cang Chải tiếp tục được duy trì, mở rộng và phát triển đáp ứng mong mỏi của đồng bào đối với việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ Mông.

P.V


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.