- Đa số các Đại biểu Quốc hội khi phát biểu ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ về mức giá khởi điểm khi đấu giá biển số ô tô là 40 triệu đồng…
Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong phiên thảo luận hôm nay, các đại biểu Quốc hội tập trung vào các nội dung cụ thể như: Tên gọi của dự thảo nghị quyết. Đây là nội dung quan trọng liên quan đến phạm vi, đối tượng áp dụng và toàn bộ nội dung dự thảo của nghị quyết với 7; Hai là về biển số xe ô tô đưa ra đấu giá trong trường hợp chỉ có 1 người đăng ký tham gia đấu giá, 1 người tham gia đấu giá và 1 người trả giá;
Về giá khởi điểm, ông Phương cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra đề nghị áp dụng thống nhất một giá, một mức khởi điểm 40 triệu đồng trong phạm vi cả nước. Chính phủ đã tiếp thu và thống nhất mức giá này. Bốn là, về quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số xe theo xe.
Ảnh minh họa |
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng, điều quan trọng là đưa ra mức giá khởi điểm như thế nào để thu hút được nhiều người tham gia, từ đó thu hút được nhiều cho ngân cho ngân sách nhà nước.
ĐB Yến phân tích: Trong điều kiện hiện nay khi phân khúc thị trường xe ô tô phần lớn ở tầm trung. Trong nhóm này không phải ai cũng sẵn sàng chi thêm 40 triệu để có thể có 1 biển số chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân của họ. Nếu không ai đăng ký biển số đó thì biển số lại được đưa vào kho để cấp cho tổ chức, cá nhân, như thế sẽ thất thu cho ngân sách.
Riêng những biển số đẹp, độc, lạ thì không bị ảnh hưởng gì vào mức giá khởi điểm, bởi vì sẽ có nhiều người đăng ký và tham gia trả giá cạnh tranh.
ĐB tỉnh Bến Tre đề nghị mức giá khởi điểm đối với vùng 1 giữ là 40 triệu, tức là gấp đôi lệ phí đăng ký được áp dụng hiện nay đối với khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Riêng đối với vùng 2, mức giá khởi điểm thấp hơn, chỉ khoảng 10 triệu vì theo ĐB, mức này cũng đã gấp 10 lần so với lệ phí được cấp hiện nay đối với các tỉnh, khu vực đô thị và đối với các huyện hiện nay lệ phí này chỉ có 200.000 đồng.
ĐB Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) thống nhất với giá khởi điểm đã nêu trong báo cáo thẩm tra là 40 triệu nhưng đề nghị quyết định cụ thể trong Dự thảo bước giá là 5 triệu hoặc 10 triệu để có cơ sở, khi thực hiện mức giá sẽ cụ thể hơn. ĐB cũng đề nghị trong dự thảo quy định phân bổ luôn theo hướng 70% nộp ngân sách trung ương và 30% ngân sách của địa phương.
Về quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá, Dự thảo quy định người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số ô tô trúng đấu giá theo xe nên ĐB đề nghị nên quy định luôn biển số trúng đấu giá là tài sản của cá nhân, người trúng đấu giá có các quyền về tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự.
“Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ lý do hạn chế quyền tài sản của người dân sau khi trúng đấu giá là theo quy định của pháp luật nào? Ngoài ra, đề nghị quy định một người trúng đấu giá bao nhiêu biển số để tránh trường hợp đầu cơ; Trường hợp người trúng đấu giá không nộp đủ số tiền trúng đấu giá trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có văn bản phê duyệt kết quả đấu giá thì giải quyết ra sao? Đề nghị cơ quan soạn thảo cũng làm rõ nội dung này.” – ĐB Trịnh Bình Minh nêu ý kiến.
Ông cũng đề nghị bổ sung quy định người trúng đấu giá được giữ lại biển số xe để gắn sang xe khác trong trường hợp xe bị hỏng, bị mất, bị thu hồi; cho thừa kế biển số trúng đấu giá và người thừa kế đăng ký biển số xe như là tài sản thừa kế, quy định trong trường hợp 12 tháng người trúng đấu giá chết thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015; Quy định rõ người được thừa kế có phải trả lại biển số trúng đấu giá không, có được quyền cầm cố, thế chấp, cho thuê, cho mượn biển số hay không. Trường hợp người trúng đấu giá không làm thủ tục nhận biển số xe thì sẽ giải quyết như thế nào?...
Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) lại đề nghị, những nội dung về giá khởi điểm nên giao cho Chính phủ để Chính phủ có thể điều hành, quản lý linh hoạt theo sự biến động của các quan hệ trong nền kinh tế thị trường. “Nếu giá này thay đổi thì Chính phủ ban hành một cách nó linh hoạt hơn, nếu Quốc hội quy định thì chắc 3 năm sau chúng ta mới có thể thay đổi được.” – ĐB tỉnh Khánh Hòa nói.
ĐB Khang Thị Mào (Yên Bái) cho biết đồng thuận với ý kiến băn khoăn của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức là trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản mà trúng đấu giá biển số xe ô tô với giá trị trên 50 triệu đồng có phải thực hiện việc kê khai tài sản theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng hay không? Bởi quy định của luật hiện hành là tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên phải kê khai.
ĐB Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) cho rằng, nghị quyết đã đưa ra một mức giá chung đó là giá khởi điểm 40 triệu đồng và không phân biệt vùng 1, vùng 2 là hoàn toàn hợp lý và đảm bảo công bằng giữa những người tham gia đấu giá.
Về biển số đưa ra đấu giá, ĐB tỉnh Hà Tĩnh đề nghị cần nêu rõ là những biển số nào được lựa chọn đưa ra đấu giá hay là tất cả các biển số đều được đưa ra đấu giá. Nếu những biển số được lựa chọn đưa ra đấu giá thì cần có những tiêu chí cụ thể như thế nào để phù hợp với các tiêu chí về giá khởi điểm là 40 triệu đồng như trong nghị quyết đã sửa đổi.
Tiếp thu ý kiến và giải trình với các ĐB Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói: “Chúng tôi sẽ tiếp thu những ý kiến này và nghiên cứu rất kỹ lưỡng ý kiến của đại biểu, sẽ có báo cáo với Chính phủ và các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, tiếp thu những ý kiến của các đại biểu Quốc hội và của cử tri để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết báo cáo Quốc hội thông qua Nghị quyết này theo quy định.”