- Tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ngành Hán Nôm - khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Hán Nôm là ngành học đặc biệt, lĩnh vực khoa học, văn hoá riêng độc đáo, quan trọng; nhà trường cần phát triển thế mạnh này, là lợi thế cạnh tranh trong cả nước và thế giới.
Ngành Hán Nôm đã phát triển về chiều sâu
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn bày tỏ sự vui mừng trước sự phát triển của ngành Hán Nôm. Bộ trưởng nêu, hàng năm, ngành vẫn tuyển sinh đều đặn, người học vẫn đến tìm thầy, cầu học Hán Nôm. Trường đang đào tạo gần 1.000 sinh viên hệ chính quy. Và khẳng định đây là con số rất đáng mừng.
Bộ trưởng cho biết, đến nay, chúng ta có được những cựu sinh viên bây giờ là nhà nghiên cứu chững chạc, có tầm vươn ra tầm đủ sức đối thoại quốc tế. Họ là những chuyên gia có chuyên môn vững vàng, ngoại ngữ tốt, phương pháp nghiên cứu tốt, quan tâm đến vấn đề chung của thế giới, tổ chức được các hội thảo, tham gia được các diễn đàn, viết cuốn sách, làm những tạp chí đủ tầm đối thoại với các nước trong khu vực và trên thế giới. Họ đủ tầm nói những chuyện thế giới biết về Việt Nam và bàn luận với họ. Theo Bộ trưởng đây là điều đặc biệt mừng cho sự trưởng thành về mặt chiều sâu của ngành Hán Nôm trong suốt 50 năm qua.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng bày tỏ, ngành khoa học xã hội và nhân văn đang triển khai những công trình, những chương trình học thuật rất lớn như: Đại học Quốc gia Hà Nội được giao biên soạn bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam; Viện Trần Nhân Tông được giao biên soạn bộ Kinh điển Phương Đông. Những bộ sách này nếu hoàn thành, con số lên tới hàng nghìn cuốn. Trong lịch sử biên soạn chưa bao giờ có công trình lớn như vậy. Sinh viên ngành Hán Nôm đang đóng vai trò quan trọng trong những công trình quy mô đồ sộ ấy, đóng góp cùng với đất nước và văn hoá dân tộc. Đây là điều hết sức đáng mừng.
Về việc phát triển ngành Hán Nôm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu lại khi còn ở cương vị Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, ông đã nhiều lần đặt vấn đề cần phải phát triển ngành Hán Nôm. Đến nay, ở cương vị Bộ trưởng, ông mong muốn Hiệu trưởng nhà trường cũng như trưởng khoa cần đặt vấn đề phát triển ngành Hán Nôm một cách ráo riết hơn.
Theo Bộ trưởng: “Việc phát triển này không phải chỉ vài chục người nằm trong ngành Hán Nôm mà vấn đề lớn hơn rất nhiều. Trường đang sở hữu một ngành học rất đặc biệt, một lĩnh vực khoa học, văn hoá đặc biệt, riêng có, độc đáo, quan trọng, thiêng liêng. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có một thứ đặc sắc mà trường khác không có. Tầm của trường là cần phát triển cái riêng có. Đây là thế mạnh của trường, là lợi thế cạnh tranh để khoe với cả nước và thế giới”.
Với ý nghĩa đó, Bộ trưởng mong nhà trường đừng ngần ngại đầu tư cho ngành. Đồng thời, nên nhìn nhận ngành Hán Nôm như một khoa học đặc biệt và không thể định biên số giờ dạy bình thường. Cần lấy mục tiêu phát triển của ngành là nuôi dưỡng đội ngũ nghiên cứu, không nên ngồi tính có bao nhiêu giờ thì có bao người làm việc. Theo Bộ trưởng, cách tính đó không bao giờ có sự đầu tư. Mà ngành tiếp tục gửi người đi đào tạo và đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu phát triển của nghiên cứu, học thuật của ngành trong tương lai.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu việc Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đang làm chương trình mục tiêu quốc gia và mong muốn trong chương trình đó cần có nội dung liên quan đến phát triển bảo tồn lĩnh vực Hán Nôm.
“Sự phát triển không phải chỉ vì ngành này vì vấn đề lớn lao hơn là đất nước, dân tộc. Mong rằng, ngành này, khoa Văn học tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới từng môn học và Hán Nôm cần thiết phải là nơi tiên phong trong việc triển khai hiện đại hoá, nghiên cứu và đào tạo”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Tạo dựng con người Việt Nam tương lai cần lĩnh vực mang giá trị nhân văn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, hiện nay mục tiêu ngày càng trở nên quan trọng với ngành Giáo dục là phát triển con người, phát triển nhân cách, đạo đức, tố chất văn hóa của con người Việt Nam. Con người trong tương lai phải bền chắc ở những giá trị cốt lõi, sống lương thiện, có văn hóa, có bản sắc. Để tạo dựng nền giáo dục cho con người Việt trong tương lai như vậy, những lĩnh vực mang đậm giá trị nhân văn, gắn chặt với kiến tạo giá trị cốt lõi của đạo đức, nhân văn, của nghệ thuật,… có ý nghĩa quan trọng. Những người nghiên cứu xã hội nhân văn nói chung, đặc biệt là nghiên cứu về Hán Nôm, đang tiếp cận với toàn thể kí ức của dân tộc, di sản của dân tộc.
Phát biểu tại buổi lễ, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, GS.TS Hoàng Anh Tuấn bày tỏ: “Ngày nay, đối mặt với một xã hội của sự bùng nổ về thông tin và xu hướng xã hội hóa của giáo dục, ngành Hán Nôm tiếp tục phải đương đầu với những thách thức mới gắn với sự cạnh tranh của các ngành đào tạo mang tính ứng dụng, dễ dàng hội nhập với xã hội hiện đại hơn. Tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng trong vai trò là ngành học bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, là ngành học bồi đắp cội rễ văn hóa của quốc gia, ngành Hán Nôm nói riêng và các ngành khoa học cơ bản nói chung luôn nhận được sự quan tâm đầu tư của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, sự ủng hộ của ĐHQGHN, sự định hướng phát triển bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ quan trung ương. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ý thức được rằng: Hán Nôm là một trong những ngành học mang tính “đặc sản” của nhà trường. Việc phát triển ngành học này, đưa ngành học đến gần hơn với đời sống xã hội đương đại để góp phần kết nối các giá trị văn hóa truyền thống với con người hiện tại, không chỉ là trách nhiệm nhìn từ phương diện quản lý đào tạo của Nhà trường, mà hơn hết còn thể hiện trách nhiệm quốc gia của một đơn vị đào tạo hàng đầu lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong cả nước".
P.V