Đại biểu Quốc hội: Người bình luận thiếu văn hóa thường "không ở các bộ, ngành"

0
0

 - Cho rằng người gây rối, chọc ngoáy, kích động, người bình luận (comment) điều thiếu văn hóa phần lớn không ở các bộ, ngành mà tự do bên ngoài, thậm chí ở cả nước ngoài, ĐB Nguyễn Anh Trí đề nghị cần triển khai Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng cần có sự tham gia của Bộ Công an và toàn xã hội...

Gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) đánh giá cao những nỗ lực của ngành TT&TT thời gian qua trong việc phát huy tác động tích cực của không gian mạng và những cố gắng trong khắc phục các tác động tiêu cực của nó.

“Tuy nhiên, nhìn từ góc độ giáo dục tôi nhận thấy tác động nguy hại có chiều hướng ngày càng gia tăng của không gian mạng. Đáng quan tâm là một bộ phận không gian mạng xã hội tưởng chừng như vô hại nhưng đang âm thầm len lỏi vào trong nhà trường, tạo nên những hành vi tiêu cực, như là sự tục tĩu, vô trách nhiệm, gian dối, ngông cuồng, hoang tưởng… có khả năng tạo ra trong đời sống học đường một định hướng giá trị lệch lạc với lối sống ảo, thực dụng, ích kỷ” - ĐB Nguyễn Thị Tuyết Nga nêu rõ.

“Bộ trưởng có quan tâm đến việc xây dựng văn hóa mạng - một giải pháp mà nhiều nước trên thế giới đang triển khai để giải quyết vấn đề này?” - ĐB tỉnh Quảng Bình đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (tỉnh Quảng Bình) -
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (tỉnh Quảng Bình) 

Khẳng định “đây đúng là một câu chuyện nhức nhối”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia nói: “Rất nhiều người nghĩ không gian mạng là vô danh, là ảo, mình lên đấy thì không ai biết mình là ai cả, cho nên phát ngôn và làm các thứ cũng thiếu trách nhiệm. Nghị định 72 đã sửa là mọi người phải định danh, điều này luật cũng quy định rồi. Các chủ mạng xã hội, khi người dân đăng ký thì phải xác thực để khi cơ quan điều tra yêu cầu là phải cung cấp được danh tính của người đó. Tôi nghĩ đây là một trong những giải pháp rất mạnh mẽ để cho mọi người có trách nhiệm hơn".

Về vấn đề xây dựng văn hóa, Bộ trưởng chia sẻ: “Tôi nghĩ nó là một môi trường sống mới thì chắc chắn là chúng ta phải có văn hóa số. Ở đây, nhiều thứ rất khác. Trong đời thực mình nói một câu rất to thì cũng chỉ mấy người đứng xung quanh mình nghe thấy, nhưng nếu viết một tin là 1 triệu người nhìn thấy.”

Bộ trưởng cho biết, để từng bước xây dựng văn hóa số thì đầu tiên là xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số. Bộ TT&TT đã ban bố một bộ quy tắc mẫu để hy vọng các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức căn cứ vào quy tắc mẫu để ban hành quy chế ứng xử mô hình số cho mình.

“Sang năm, chắc là Bộ sẽ phải đánh giá sơ kết việc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử và bộ mẫu này. Tôi nghĩ rằng căn cơ thì nên đi 2 chân, một bên là dùng luật pháp, mình gọi là pháp trị, một bên là đức trị liên quan đến văn hóa giáo dục.”Bộ trưởng nêu quan điểm.

Chưa thực sự bằng lòng với phần trả lời này của Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) cho rằng, “nếu Bộ trưởng chỉ làm những hành động như vậy thì chắc chắn không thể xây dựng được một văn hóa mạng tốt và văn minh ở Việt Nam được.”

ĐB Nguyễn Anh Trí đề nghị Bộ trưởng cần quan tâm hơn và “phải coi việc xây dựng văn hóa mạng tốt, văn minh là một công việc rất quan trọng cần làm tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, đến nơi, đến chốn hơn.”

“Ví dụ, Bộ trưởng nói có bộ quy tắc ứng xử sẽ gửi các bộ, ngành để xây dựng cụ thể và triển khai. Việc đó là tốt nhưng chưa đủ, vì người gây rối, người chọc ngoáy, người kê kích, người kích động, người comment điều thiếu văn hóa thì thường phần lớn không ở các bộ, ngành mà tự do bên ngoài, thậm chí ở cả nước ngoài. Tôi thấy cần triển khai rộng hơn, mạnh hơn và có sự tham gia của các bộ, ngành khác, đặc biệt là Bộ Công an và toàn xã hội thì mới thành công được.” – ĐB Nguyễn Anh Trí nói.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)

Thừa nhận “câu chuyện văn hóa mạng là câu chuyện rất rộng và rất nhiều việc phải làm," Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, bộ Quy tắc ứng xử ban ra là ban cho cơ quan công quyền, tức là cơ quan quản lý nhà nước, nhưng trong đó có một một phần nói rằng, ngoài các cơ quan nhà nước thì các tổ chức khác có thể coi đây là một mẫu tham khảo để có thể xây dựng bộ quy tắc ứng xử của mình.

“Tôi rất đồng ý với đại biểu Nguyễn Anh Trí là chúng ta phải triển khai thật rộng rãi, nó phải ngấm vào từng gia đình, từng tế bào xã hội, từng người dân. Một trong những cách tốt nhất là dùng các nền tảng số để đào tạo kỹ năng cơ bản, đào tạo văn hóa và đưa vào trong nhà trường” - Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


MyTV và câu chuyện doanh nghiệp Việt vượt khó để làm chủ công nghệ

(VnMedia) - Chỉ trong một thời gian ngắn, truyền hình MyTV của VNPT đã đạt được sự tăng trưởng thần tốc 1 năm bằng tích lũy cả 10 năm và vẫn duy trì triển vọng tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Bộ Công Thương nói gì về đề xuất thí điểm thuốc lá điện tử?

(VnMedia) - Trong thời gian chưa ban hành chính sách, Bộ Công Thương đề xuất chỉ quản lý thí điểm thuốc lá nung nóng, chưa cho phép lưu hành sản phẩm thuốc lá điện tử.

Thế Vận hội Paris 2024 sẵn sàng đối mặt với mối đe dọa an ninh mạng chưa từng có

(VnMedia) - Thế Vận hội Paris 2024 đang chuẩn bị sẵn sàng có thể để đối mặt với một thách thức chưa từng có về mặt an ninh mạng, trong bối cảnh các nhà tổ chức sự kiện dự kiến ​​​​sẽ phải chịu áp lực rất lớn đối với Thế vận hội diễn ra vào mùa hè này.

Ngăn chặn nhiều vụ giả danh Công an gọi điện hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID

(VnMedia) - Lực lượng công an đã phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo giả mạo Công an tiến hành cài đặt ứng dụng VneID để chiếm quyền điều khiển điện thoại, nhằm lấy các thông tin cá nhân, chiếm đoạt tiền trong tài khoản...

Đức triệt phá 12 trung tâm cuộc gọi lừa đảo, bắt giữ 21 nghi phạm

(VnMedia) - Cơ quan thực thi pháp luật của Đức đã triệt phá 12 trung tâm cuộc gọi lừa đảo qua điện thoại đứng sau hàng nghìn cuộc gọi lừa đảo hàng ngày ở Albania, Bosnia và Herzegovina, Kosovo và Lebanon.