- Thời điểm này, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã bắt đầu các hoạt động tư vấn tuyển sinh cho năm 2023. Trong đó, kỳ thi đánh giá năng lực tiếp tục thu hút sự quan tâm lớn từ phụ huynh, thí sinh vì phạm vi tổ chức và chỉ tiêu xét tuyển dự kiến ngày một tăng.
ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến mở rộng địa điểm thi
Một trong những kỳ thi tuyển sinh riêng lớn nhất hiện nay là kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Kỳ thi nhằm mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, góp phần tuyển chọn được những thí sinh (TS) có đủ năng lực và phù hợp với đặc thù của các chương trình đào tạo. Năm 2022, với hai đợt thi đã thu hút gần 120.000 lượt thí sinh tham gia. Hơn 80 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả này để xét tuyển với chỉ tiêu khá lớn, trong đó, các đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM dành từ 20% đến tối đa 70% chỉ tiêu.
Với thành công này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo của ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết năm 2023, ĐH Quốc gia TP.HCM cơ bản vẫn duy trì ổn định kỳ thi ĐGNL này như năm 2022, để không gây xáo trộn cho TS. Kỳ thi vẫn tiếp tục được tổ chức thành hai đợt, vào cuối tháng 3 và cuối tháng 5-2023. “ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tăng thêm chất lượng đề thi, câu hỏi và tăng chất lượng tương tác với TS, đưa kỳ thi đến gần TS hơn để thuận lợi cho các em” - Tiến sĩ Chính khẳng định.
Thay thế phương thức xét học bạ
Kết quả bài thi ĐGNL chuyên biệt được sử dụng để xét tuyển theo phương thức kết hợp với kết quả học tập THPT với chỉ tiêu khoảng 20% ở năm 2022. Tuy nhiên, trường đang xem xét để có thể nâng chỉ tiêu lên khoảng 30% và lộ trình dần sẽ sử dụng kỳ thi này thay thế luôn phương thức xét học bạ.
Về chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức này, Tiến sĩ Chính cũng cho biết lộ trình của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tăng dần chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi ĐGNL. Tuy nhiên, tăng như thế nào phụ thuộc vào kế hoạch tự chủ của các trường/khoa thành viên, tùy vào đánh giá của mỗi đơn vị về chất lượng tuyển sinh của phương thức này. Về địa điểm tổ chức, Tiến sĩ Chính cho biết tiếp tục duy trì tại 17 tỉnh, TP như năm trước, tuy nhiên ĐH Quốc gia TP.HCM đang xem xét sẽ mở rộng thêm điểm thi ở tỉnh Lâm Đồng và một số điểm thi ở khu vực ĐBSCL nhằm thuận tiện cho việc đi lại của TS. Còn với các tỉnh, thành phía Bắc, Tiến sĩ Chính cho biết ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội đang có kế hoạch sẽ công nhận kết quả hai kỳ thi ĐGNL lẫn nhau để thuận lợi cho TS khi không phải tham gia nhiều kỳ thi. Vì theo đánh giá của hai đơn vị, đề thi có sự tương đồng. Do đó, TS có thể chọn một trong hai đơn vị để tham gia thi.
Ảnh minh họa |
Tăng đợt thi, tăng chỉ tiêu
Tại khu vực phía Bắc, kỳ thi ĐGNL do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức được xem là kỳ thi tuyển sinh riêng thu hút nhiều TS nhất mỗi năm. Năm 2022, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức đến 10 kỳ thi với hơn 60.000 lượt TS dự thi. Và có trên 60 trường ĐH, học viện đã sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển, chỉ tiêu mỗi trường 10%-20%. Dự kiến năm 2023, tại cuộc họp tổng kết kỳ thi do ĐH này vừa tổ chức đầu tháng 10, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết dự kiến sẽ tổ chức 12 đợt thi (tăng hai đợt), trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6-2023. Quy mô khoảng 100.000 lượt thi tại tám tỉnh, TP trên cả nước, gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Hưng Yên. TS đăng ký dự thi từ tháng 2-2023. Mỗi TS đăng ký dự thi tối đa hai lượt/năm. Thời gian đăng ký giữa hai đợt cách nhau 4-6 tuần.
Tương tự, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng dự kiến tiếp tục duy trì hai đợt thi ĐGNL chuyên biệt cho mùa tuyển sinh năm 2023 vào tháng 4 và tháng 6-2023. ThS Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng trường, cho biết năm 2022 là năm đầu tiên trường tổ chức kỳ thi riêng này với gần 2.000 em dự thi, điểm chuẩn của phương thức này cũng khá tốt. Do đó, ở năm 2023, về cơ bản, trường vẫn tiếp tục giữ ổn định kỳ thi này như cũ. TS xét tuyển vào những ngành học nào thì sẽ đăng ký dự thi một hoặc một số bài thi xét tuyển tương ứng. TS sẽ thực hiện bài thi này trên máy tính tại các điểm thi do trường tổ chức. Nội dung kiến thức trong đề có 70%-80% trong chương trình lớp 12, còn lại ở lớp 10, 11.
Năm 2023, có thể xét tuyển cùng thời điểm
Bộ GD&ĐT dự kiến công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022, đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các cơ sở đào tạo và các TS trong quá trình xét tuyển. Bộ cũng sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển, sẽ loại bỏ (không sử dụng) các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho TS.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT có thể xem xét khuyến cáo các cơ sở đào tạo không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022, mà tất cả phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT đợt 1.