- Những cơn ho của bé luôn khiến cha mẹ lo lắng, sốt ruột để chữa trị. Tuy nhiên, bạn nên cẩn trọng trong việc trị ho cho trẻ để tránh những sai lầm đáng tiếc.
Thời tiết giao mùa, chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm lớn, độ ẩm không khí cao, nắng chuyển sang mưa... khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp vì hệ miễn dịch còn non yếu. Một trong những chứng bệnh thường thấy nhất ở trẻ là ho.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết ho là hành động tống xuất đàm ra khỏi họng trẻ, tuy nhiên nguyên nhân ho mới quan trọng (viêm phế quản, viêm phổi, trào ngược, suyễn...) và cần thăm khám bác sĩ.
"Sau khi ngưng toa thuốc của bác sĩ, trẻ ho kéo dài 2-4 tuần là bình thường. Vấn đề là nhiều cha mẹ tự ý ngưng toa thuốc siro ho hoặc long đờm cho con nên trẻ tiếp tục ho dù đã hết nhiễm trùng", bác sĩ Sang cho hay.
|
||
Vì vậy, để giúp trẻ giảm ho, vị chuyên gia này đưa ra một số khuyến cáo cho phụ huynh:
Khám bác sĩ nhi ít nhất một lần
Tất cả bé ho, thở nhanh hơn bình thường hoặc co lõm, có vấn đề khác như mệt, sốt, giật mình, tiêu chảy, nổi bóng nước... phải đi khám bác sĩ nhi ít nhất một lần.
Không lo lắng quá nhiều
Sau mỗi đợt bệnh (suyễn, viêm phế quản...), trẻ có thể ho kéo dài 2-3 tuần. Nếu trẻ chỉ là ho vài tiếng, không có vấn đề gì khác, cha mẹ không nên quá lo lắng.
Trẻ dưới 12 tháng: Uống siro ho thảo dược (hoastex, prospan...)
Trẻ trên 12 tháng: Uống siro ho, có thể cho uống mật ong nguyên chất, mỗi lần một muỗng cà phê. Mật ong có tính sát khuẩn tự nhiên. Lưu ý, bạn không dùng tỏi hay tinh dầu cho trẻ vì một số trường hợp gây bỏng da bé.
Vệ sinh sạch nơi ở
Hãy vệ sinh nơi ở của bé thật sạch, mở tất cả cửa để nhận ánh sáng, thoáng gió để diệt nấm mốc và sát khuẩn môi trường - đó cũng là nguyên nhân gây khò khè cho trẻ. Ánh sáng cũng là một cách diệt khuẩn tự nhiên.
Tiêm chủng đầy đủ
Tiêm chủng cho con đủ các mũi quan trọng và liên quan hô hấp như 6 trong 1 (bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não), sởi, phế cầu, cúm, não mô cầu... Những trẻ tiêm chủng đủ ít mắc bệnh hơn những bé thiếu mũi tiêm.
Thuốc lá là nguyên nhân viêm nhiễm hô hấp hàng đầu hiện nay. Khói thuốc lá làm tê liệt hệ hô hấp của trẻ và vi khuẩn xâm nhập rất mạnh. Vì vậy, cha mẹ nên tránh cho bé tiếp xúc với thuốc lá.
Uống nhiều nước
Trẻ em thường ham chơi, quên uống nước. Mẹ cho con uống đủ nước sẽ thấy thấy đàm loãng hơn, dễ hút hay tống ra hơn. Trẻ uống thiếu nước, đàm đặc, vướng ở cổ khiến bé còn ho do bị kích thích. Bạn có thể cho bé uống nước lọc, nước trái cây hay nước có điện giải.
Bổ sung đủ vitamin D3, canxi
Những trẻ bị khò khè nhiều, đề kháng kém thường do thiếu hụt canxi và vitamin D3. Đặc biệt ở trường hợp các bé bị suy dinh dưỡng. Cha mẹ nên cho bé xét nghiệm để kiểm tra, chỉ bổ sung khi trẻ thiếu, không tự ý sử dụng bừa bãi.
Vitamin D3 đã có nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng tăng đề kháng và giảm luôn triệu chứng khò khè. Những người lớn ở trong văn phòng nhiều, thiếu vitamin D3, cũng thường đề kháng kém hơn người hoạt động dưới ánh nắng tự nhiên.