- Liên minh Châu Âu (EU) phải theo đuổi chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc và coi nước này là đối thủ cạnh tranh toàn diện, Bộ trưởng các nước thành viên EU đã được khuyến cáo như vậy trước thềm cuộc họp về việc điều chỉnh lại chiến lược của Brussels đối với Bắc Kinh.
EU nên hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ, tăng cường khả năng phòng thủ không gian mạng và phòng thủ trước các mối đe dọa hỗn hợp khác, đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình ngoài Trung Quốc và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các cường quốc Ấn Độ - Thái Bình Dương khác. Đây là nội dung có trong một tài liệu do cơ quan đối ngoại của liên minh chuẩn bị cho các nước thành viên trước cuộc họp quan trọng về chính sách đối với Trung Quốc.
Tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) dẫn tài liệu của EU cho biết: “Trung Quốc đã trở thành một đối thủ cạnh tranh toàn cầu mạnh hơn đối với EU, Mỹ và các đối tác cùng chí hướng khác. “Do đó, điều cần thiết là phải tìm ra cách tốt nhất để ứng phó với những thách thức hiện tại và trước mắt.”
Đánh giá của EU “thừa nhận rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi”, một quan chức cấp cao của EU cho biết. “Nói tóm lại, EU cần phải chuyển sang hướng cạnh tranh toàn diện, cả về mặt kinh tế cũng như là về mặt chính trị” với Trung Quốc.
Tài liệu của cơ quan đối ngoại EU nhấn mạnh đến thực tế là mối quan hệ EU-Trung Quốc đang xấu đi đáng kể kể từ khi liên minh này đưa ra chính sách hiện tại đối với Bắc Kinh năm 2019. Dấu hiệu xấu đi này được được thể hiện qua các tranh chấp thương mại, các biện pháp trừng phạt ăn miếng trả miếng giữa hai bên và một loạt nỗ lực thất bại trong việc tìm kiếm tiếng nói chung trong các lĩnh vực.
Các quan chức EU cho rằng, việc Trung Quốc ủng hộ cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, các mối đe dọa của Trung Quốc đối với vùng lãnh thổ Đài Loan, lập trường của Bắc Kinh đối với nhân quyền ở Hồng Kông và cách đối xử của Trung Quốc với thiểu số người Duy Ngô Nhĩ đều là những diễn biến lớn kể từ khi EU đưa ra chính sách hiện tại của mình với Bắc Kinh. Vì thế, EU tin rằng họ cần phải xem xét lại chính sách với Trung Quốc.
“Đây là thời điểm để đánh giá lại chính sách. . . Và hãy xem liệu chính sách của chúng ta có phù hợp hay không ”, một quan chức cấp cao khác của EU cho hay. "Chúng ta phải tính đến những sự kiện nghiêm trọng đã xảy ra trong năm qua."
Hồi cuối tuần vừa rồi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sử dụng bài phát biểu của mình trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 để kêu gọi, tập hợp sự ủng hộ cho việc chống lại “sự can thiệp của nước ngoài” cũng như “chủ nghĩa bảo hộ và bắt nạt” của các nước khác.
Tài liệu của EU cho thấy rằng chính sách hiện tại của Liên minh Châu Âu khi coi Trung Quốc là “đối tác-đối thủ cạnh tranh-đối thủ hệ thống” đã lỗi thời. Tài liệu này đã được Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên EU thảo luận tại cuộc họp ở Luxembourg vào ngày hôm qua (17/10) để chuẩn bị cho cuộc tranh luận về Trung Quốc của 27 nhà lãnh đạo của khối tại một hội nghị thượng đỉnh bắt đầu vào thứ Năm tới (20/10).
Đến dự cuộc họp ngày hôm qua, Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra cho biết: “Chúng ta ngày càng phải tăng cường chủ nghĩa hiện thực trong đối thoại với Trung Quốc. Chúng ta đang bỏ lại sự ngây thơ ở phía sau”.
Ông Josep Borrell – vị quan chức phụ trách ngoại giao của khối, cho biết: "Một cuộc thảo luận mới về Trung Quốc với một phân tích mới vào lúc này là rất kịp thời."
Các cuộc thảo luận của EU về Trung Quốc trong tuần này diễn ra sau khi Mỹ cảnh báo rằng Trung Quốc là “thách thức địa chính trị có nhiều hệ lụy nhất”. Mỹ đã đưa ra một chiến lược an ninh quốc gia trong đó cảnh báo Bắc Kinh “nuôi dưỡng ý định và ngày càng có khả năng định hình lại trật tự quốc tế”.
“Chúng tôi sẽ ưu tiên duy trì lợi thế cạnh tranh lâu dài so với CHND Trung Hoa,” chiến lược của Mỹ nhấn mạnh.