- Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo về chương trình “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” do Văn phòng Quốc hội và các cơ quan chủ trì, phối hợp tổ chức sáng nay 15/9.
Tại cuộc họp báo, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 nhằm tập hợp, tổng hợp các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu hàng đầu trong nước, chuyên gia của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp hiệp hội.
Trong đó, Diễn đàn tập trung làm rõ bối cảnh quốc tế; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa – kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi và phát triển kinh tế bền vững…Diễn đàn cũng tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 09 tháng đầu năm 2022 và dự báo cả năm 2022;
Trao đổi, tham vấn ý kiến về các vấn đề nóng của kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; các vấn đề về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ; các vấn đề về khoa học công nghệ, giáo dục, lao động, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp ứng phó.
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu tóm tắt về chương trình, nội dung Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 |
Cùng với đó, rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam (các FTA: CPTPP, EVFTA; RCEP; SDGs; COP26…).
Diễn đàn cũng sẽ đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh; làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Diễn đàn được chia thành 03 phiên bao gồm 01 Phiên toàn thể và 02 Phiên hội thảo chuyên đề. Sau Khai mạc Diễn đàn vào buổi sáng, các đại biểu sẽ tham 02 Hội thảo chuyên đề theo hình thức đồng thời với 02 chủ đề “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” và “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”.
Phiên buổi chiều gồm Phiên toàn thể và Tọa đàm cấp cao với chủ đề “Củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 được tổ chức với sự tham gia đồng chủ trì của 04 cơ quan gồm: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu khai mạc, tham dự Tọa đàm cấp cao và phát biểu kết luận, bế mạc Diễn đàn.
Cũng tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 về nội dung, điều kiện chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất.
Quy mô của Diễn đàn năm nay tầm cỡ hơn so với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, với khoảng 400 đại biểu tham dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và một số chuyên gia, nhà khoa học, chuyên gia ở nước ngoài tham dự theo hình thức trực tuyến.