Đầu tư cho tiền lương chính là đầu tư cho con người và đầu tư cho con người chính là đầu tư cho phát triển. Đã đến lúc phải cải cách chính sách tiền lương để tạo ra đội ngũ công chức, viên chức vừa có chuyên môn, năng lực, vừa có bản lĩnh và vừa có tinh thần, trách nhiệm xây dựng đất nước.
TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội) trao đổi với phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: Bảo Hân
TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho biết như trên trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về vấn đề cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).
PV: Theo ông, cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương thấp có thể gây ra những hệ luỵ gì?
TS. Bùi Sỹ Lợi: Hệ lụy đầu tiên là, tiền lương thấp của CBCCVC như hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động mà lực lượng này đóng góp cho cơ quan, đơn vị.
Hơn nữa, tiền lương thấp không đủ bù đắp cho quá trình tái sản xuất giản đơn, chưa nói đến tái sản xuất mở rộng, chưa bù đắp được quá trình đào tạo của CBCCVC để họ toàn tâm, toàn ý vào công việc.
Thứ hai, tiền lương thấp tác động đến hiệu quả công tác và năng suất lao động. Tiền lương đang rất thấp, đời sống công chức, viên chức rất khó khăn nên nhiều người phải tìm cách để tạo ra thu nhập đảm bảo cuộc sống của bản thân và gia đình dẫn đến bộ máy hành chính đâu đó vẫn trì trệ, ách tắc.
Câu hỏi đặt ra là, CBCCVC cơ bản là nguồn nhân lực có chất lượng, thậm chí chất lượng cao, nhưng tại sao không phát huy hết tác dụng? Điều đó có thể lý giải, tiền lương là đòn bẩy để tăng năng suất lao động và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Hệ luỵ của việc chưa cải cách tiền lương theo đúng tinh thần, lộ trình, bước đi của Nghị quyết 27 sẽ tạo ra bộ máy rệu rã, chất lượng công chức, viên chức ngày càng kém đi, không phát huy, thúc đẩy năng lực sáng tạo.
Thứ ba, tiền lương thấp dẫn đến vòng luẩn quẩn: “Tiền lương như thế thì công chức, viên chức làm việc như vậy; và ngược lại công chức, viên chức làm việc như vậy thì tiền lương có thế”.
Vòng luẩn quẩn này không có lối thoát, không thể thúc đẩy để tăng năng suất lao động nếu như không có “điểm cắt”: Hoặc là phải “giải nghệ” công chức, viên chức khi không đáp ứng được vị trí việc làm hay năng suất lao động; hoặc là phải dùng nguồn lực để cải cách tiền lương.
Muốn có kinh phí để cải cách tiền lương thì nhà nước phải chi ra một phần ngân sách đủ cho cải cách tiền lương, điều đó đồng nghĩa với việc phải cắt giảm nguồn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển.
Điều này rất cần thiết vì đầu tư chi cho tiền lương thực chất cũng là đầu tư cho phát triển theo quan điểm của Đảng ta. Nếu cải cách tiền lương để lương đủ sống thì CBCCVC phải làm việc theo đúng giá trị của tiền lương mà họ được trả.
PV: Nghị quyết 27 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách tiền lương được kỳ vọng là một trong những giải pháp chủ chốt để CBCCVC có thể sống được bằng lương. Tuy nhiên do tác động của dịch bệnh, 2 năm qua, việc cải cách tiền lương vẫn lỡ hẹn. Theo ông, hiện đã phải thời điểm thích hợp để cải cách chính sách tiền lương cho đội ngũ này?
TS Bùi Sỹ Lợi: Từ khi có Nghị quyết 27 đến nay thì Nhà nước đã nhiều lần “lỡ hẹn” với CBCCVC về cải cách chính sách tiền lương; trong khi tiền lương của khu vực có quan hệ lao động (khu vực ngoài nhà nước) đã được điều chỉnh, thông qua lương tối thiểu vùng.
Mặc dù chúng ta đang tích cực giảm biên chế nhưng yếu tố tiền lương vẫn rất quyết định, rất quan trọng để thúc đẩy tăng năng suất lao động và tổ chức sắp xếp lại bộ máy, khuyến khích NLĐ nâng cao năng lực, trình độ để được vào làm việc trong khu vực công.
Theo tôi, năm 2023 là thời điểm cần thiết, quan trọng để cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27. Để thực hiện được cải cách chính sách tiền lương thì phải chuẩn bị các điều kiện và giải pháp hết sức căn cơ.
Trước tiên là phải thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về giảm biên chế, không giảm biên chế thì không cải cách được tiền lương; bộ máy quá cồng kềnh thì ngân sách nhà nước không gánh nổi để cải cách chính sách tiền lương.
Bên cạnh đó, phải tạo đủ nguồn lực tài chính để thực hiện, nếu không thì sẽ không cải cách được chính sách tiền lương.
Trong các giải pháp huy động nguồn lực cải cách chính sách tiền lương thì phải hết sức lưu ý: Ngân sách (dành cho đầu tư, phát triển, tăng trưởng) thì phải trích một phần để cải cách tiền lương; coi cải cách tiền lương cũng là đầu tư cho phát triển. Điều này rất quan trọng.
Nếu Chính phủ, Quốc hội không quyết tâm trích một phần ngân sách từ đầu tư công hay đầu tư cho phát triển để cải cách chính sách tiền lương thì không thể có nguồn lực được.
Ngoài ra, muốn cải cách chính sách tiền lương phải chuyển một cách triệt để khu vực sự nghiệp công lập sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng không có nghĩa là chuyển toàn bộ mà phải có điều kiện.
Cùng với đó, phải tạo ra sự đồng thuận rất cao trong CBCCVC về giảm biên chế, coi đây là sự sống còn của cải cách chính sách tiền lương, để họ hiểu rằng đây là sự phân công lại lao động, có sự chia sẻ giữa cơ quan đơn vị với CBCCVC và giữa họ với nhau để phát triển đất nước, để tạo sự tăng trưởng xã hội, tăng năng suất lao động cao hơn.
Vấn đề nữa là phải giải quyết chế độ chính sách cho CBCCVC mà trong quá trình sắp xếp không đủ năng lực đáp ứng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phải tinh giản biên chế. Quan trọng là phải tạo cơ hội để họ tìm được việc làm mới, đảm bảo cho họ không rơi vào tình cảnh bị bỏ lại phía sau.
Đã đến lúc phải cải cách chính sách tiền lương để tạo ra đội ngũ công chức, viên chức vừa có chuyên môn, năng lực, vừa có bản lĩnh và vừa có tinh thần, trách nhiệm xây dựng đất nước.
Đó là một trong những nguyên nhân hết sức quan trọng để góp phần vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Vì lương đủ sống thì mới không nghĩ đến tham nhũng, vụ lợi, không hạch sách, cửa quyền trong giải quyết công vụ của CBCCVC nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
(Lao động)
https://laodong.vn/cong-doan/luong-cong-chuc-vien-chuc-khong-the-tiep-tuc-lo-hen-tang-luong-1093486.ldo