- HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua 4 nghị quyết liên quan đến phân cấp và đầu tư công, trong đó có việc bổ sung hàng chục ngàn tỉ đồng cho kế hoạch đầu tư công từ nguồn ngân sách Trung ương và nguồn huy động của Thành phố…
Chiều 12/9, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua 4 nội dung: Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố; nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực KT-XH trên địa bàn Thành phố; cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, kế hoạch đầu tư công năm 2022 và định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Thành phố; phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của Thành phố.
Cụ thể, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND Thành phố đã thống nhất thông qua mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian tới như Đề án phân cấp quản lý nhà nước, uỷ quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội do UBND Thành phố trình.
HĐND Thành phố giao UBND Thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, đảm bảo đạt được các mục tiêu về phân cấp theo Nghị quyết HĐND Thành phố. Theo đó, HĐND, UBND cấp huyện thực hiện phân cấp quản lý nhà nước cho cấp xã theo mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ, giải pháp phân cấp trong quản lý nhà nước theo đúng quy định.
Nghị quyết về Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022; Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; Định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của cấp Thành phố phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đầu tư công cấp thành phố năm 2022, bao gồm những nội dung sau: Phê duyệt cơ cấu lại nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 gồm sử dụng 3.000 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách năm 2021; sử dụng 3.000 tỷ đồng nguồn thưởng vượt thu ngân sách năm 2021; cơ cấu lại nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp địa phương. Sau khi cơ cấu lại nguồn vốn, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2022 không thay đổi là 51.582,952 tỷ đồng.
Các đại biểu HĐND Thành phố ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết |
HĐND Thành phố cũng điều chỉnh kế hoạch đầu tư dự án cấp thành phố giảm 1.144.820 triệu đồng, trong đó, 39 dự án giảm vốn, 18 dự án tăng vốn. Điều chỉnh giảm kế hoạch vốn ghi thu, ghi chi nguồn tiền sử dụng đất đối ứng cho các dự án BT 770 tỷ đồng của 3 dự án.
Phân bổ kế hoạch vốn 166,6 tỷ đồng hỗ trợ ngành dọc lĩnh vực an ninh. Điều chỉnh giảm 2,17 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư dự án thuộc nhiệm vụ chi cấp huyện được ngân sách thành phố hỗ trợ.
Bổ sung 500 tỷ đồng vốn ủy thác Ngân hàng chính sách xã hội cho vay giải quyết việc làm để góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Bổ sung 500 tỷ triệu đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Bổ sung 2.256,39 tỷ đồng cho Quỹ phát triển đất ủy thác qua Quỹ đầu tư phát triển thành phố để thực hiện ứng vốn giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4.
HĐND Thành phố cũng thống nhất chủ trương về việc ứng vốn từ Quỹ phát triển đất uỷ thác qua Quỹ Đầu tư phát triển thành phố để các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc dự án đường Vành Đại 4. UBND Thành phố có trách nhiệm quyết định và tổ chức thực hiện bảo đảm tuân thủ đây đủ quy định hiện hành.
Đối với ngân sách Thành phố hỗ trợ cấp huyện, HĐND Thành phố cho phép các huyện, thị xã được sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố hỗ trợ cho từng dự án năm 2022 để chi trả nhiệm vụ của cấp huyện phải bố trí cho dự án đó. Ngân sách cấp huyện vẫn phải đảm bảo nguyên tắc bố trí đủ nguồn vốn đối ứng thuộc trách nhiệm của huyện để hoàn thành dự án.
HĐND Thành phố cũng đồng ý để 2 quận (Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng) sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ 5 huyện, thị xã (Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Sơn Tây) thực hiện xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội với kinh phí 31,9 tỷ đồng cho 5 dự án.
Ngoài ra, HĐND Thành phố cũng thống nhất cơ chế chung về chủ trương cho phép sử dụng ngân sách cấp huyện hỗ trợ các dự án ngành dọc lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tòa án, viện kiểm sát, thi hành án trên địa bàn.
Về phê duyệt cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 cấp Thành phố, HĐND Thành phố đồng ý cập nhật Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 đối với các dự án cấp thành phố và dự án ngân sách thành phố hỗ trợ cấp huyện được điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022.
Xác định Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho 39 dự án mới đã được HĐND Thành phố quyết nghị chủ trương đầu tư là 7.668,2 tỷ đồng.
Bổ sung kế hoạch vốn trung hạn cho 11 dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND Thành phố phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để hoàn thành dự án với kinh phí 351,2 tỷ đồng.
Bổ sung 8.400 tỷ đồng cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2055 từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và xác định kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 cho Dự án gồm: ngân sách Trung ương là 8.400 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 19.477 tỷ đồng;
Bổ sung 30.000 tỷ đồng cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 từ nguồn huy động của Thành phố (thuộc hạn mức dư nợ vay của Thành phố theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội).
Về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội, HĐND Thành phố đã thống nhất thông qua chủ trương đầu tư 19 dự án, trong đó có 1 dự án nhóm A để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo thẩm quyền; quyết định chủ trương đầu tư 17 dự án; điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án.