- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 3/8/2022 phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030”. Việc tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt 8/9 có ý nghĩa nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng. Đây cũng là ngày ĐHQGHN chính thức ra mắt, chủ trì và điều phối Cổng thông tin phục vụ Kênh đào tạo trực tuyến tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng
Dạy và học Tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài là một vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm nhằm củng cố và phát triển ngôn ngữ, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; khơi dậy và phát huy tinh thần hướng về quê hương, đất nước; góp phần quảng bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Với vai trò là đầu tàu dẫn dắt hệ thống giáo dục tại Việt Nam, ĐHQGHN luôn tiên phong xây dựng các chương trình đào tạo, các dự án tầm vóc lớn của quốc gia và dân tộc, trong đó, ĐHQGHN đã giao Khoa Việt Nam học và Tiếng việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn triển khai Kênh đào tạo tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Đề án hướng đến nâng cao ý thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng; bên cạnh đó, động viên, khuyến khích, tôn vinh các cá nhân, tổ chức, hội đoàn đã có đóng góp tích cực trong việc gìn giữ, lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; duy trì sử dụng tiếng Việt trong gia đình người Việt Nam ở nước ngoài trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày của gia đình; lan tỏa tiếng Việt đến người nước ngoài.
Lễ khai giảng lớp tiếng Việt ngắn hạn, sinh viên Khoa Việt Nam học, Đại học Đaito Bunka Nhật Bản |
Đây là đề án giàu tính nhân văn, có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn, tạo động lực nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng; thúc đẩy chính quyền sở tại và các thiết chế giáo dục đưa tiếng Việt vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ở các địa bàn có đông người Việt Nam; hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu đang có khoa hay bộ môn giảng dạy và nghiên cứu tiếng Việt phát triển mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, giảng dạy và truyền bá tiếng Việt; thúc đẩy việc đưa tiếng Việt thành ngoại ngữ chính thức bên cạnh các ngoại ngữ khác ở các địa bàn đang có nhiều thuận lợi. Với hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tiếng Việt là hồn cốt của người Việt, niềm tự hào dân tộc, góp phần tạo nên những giá trị trường tồn, nuôi dưỡng tinh thần, khí phách dân tộc, trở thành điểm tựa vững chắc giữ gìn văn hóa truyền thống (chia sẻ của Ban chủ nhiệm Khoa VNH&TV).
Đề án được triển khai trong giai đoạn 2023 - 2030, đồng thời với Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30-11-2021. Các hoạt động hướng tới Ngày Tôn vinh tiếng Việt sẽ được triển khai trong cả năm và có thể tổ chức lồng ghép vào các dịp lễ hội, kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước. Định kỳ tổ chức cuộc thi tìm kiếm và phong tặng danh hiệu “Đại sứ tiếng Việt ở nước ngoài”.
Trong khuôn khổ các hoạt động xây dựng Kênh đào tạo tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, VTVLive và Kênh Truyền hình đối ngoại VTV4 để chuẩn bị ghi hình, sản xuất các chương trình giảng dạy.
Đảm bảo giá trị tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài
Trong thời gian vừa qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã giao Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt là đầu mối triển khai các hoạt động đẩy mạnh công tác giảng dạy Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam cho kiều bào, người nước ngoài và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, Nhà trường đã hợp tác với Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài triển khai một số hoạt động như tham gia giảng dạy cho lớp tập huấn Kiều bào về phương pháp dạy tiếng; tham gia vào đội ngũ tổ chức Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt; Xây dựng Bộ giáo trình gồm 11 hợp phần (giai đoạn 1 và 2) và tiếp tục thực hiện các hợp phần còn lại hoàn tất vào tháng 12 năm 2022 (giai đoạn 3). Các sản phẩm đang được chuyển giao, số hoá đưa vào sử dụng trong năm 2022 khi ĐHQGHN và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hoàn thiện xong nền tảng trực tuyến, với sự phối hợp của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, Nhà trường đã hoàn thành hợp phần bộ 30 đề thi hoàn toàn mới dành riêng cho kiều bào cùng bộ hướng dẫn cho giáo viên, phụ huynh dành riêng cho kiều bào.
Ngày hội văn hóa sinh viên quốc tế tại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt |
Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, cho biết: Nhà trường sẽ đảm bảo chất lượng tốt nhất về mặt chuyên môn, nguồn học liệu sẽ được số hoá hợp lí để triển khai cho kiều bào trên toàn thế giới có thể sử dụng được qua nền tảng trực tuyến. Nhà trường hy vọng với sự đầu tư quyết liệt, sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo ĐHQGHN, đặc biệt là của Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân và sự cộng hưởng về mặt chính sách của Nhà nước, chương trình sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong thời gian tới. ĐHQGHN sẽ đẩy mạnh thông tin, quảng bá trong và ngoài nước hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt và chính thức ra mắt, chủ trì và điều phối Cổng thông tin phục vụ Kênh đào tạo trực tuyến tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài vào ngày 8/9/2022.
Về cơ bản, ĐHQGHN đã và đang chủ động triển khai thành công nhiệm vụ cấp Nhà nước về việc tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài, bước đầu đạt được các mục tiêu quan trọng: Xây dựng và duy trì chương trình dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến (theo khung năng lực 6 bậc) căn bản, hiệu quả, phù hợp, dễ tiếp cận cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm giúp các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài (nhất là thế hệ trẻ) có đủ vốn tiếng Việt để sử dụng trong giao tiếp, học tập, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bồi đắp ý thức hướng về cội nguồn. Kênh giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài do ĐHQGHN chủ trì đảm bảo tính thiết thực qua nền tảng dạy học tiên tiến, hiện đại, phù hợp với việc phát triển năng lực tiếng Việt của người học trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0.
Kiều bào tham gia các khoá học tiếng Việt trực tuyến do ĐHQGHN quản lí sẽ được cung cấp phương pháp học tập, nguồn ngữ liệu và các tiện ích thực hành tiếng Việt phù hợp với từng trình độ: sơ cấp, trung cấp, cao cấp. Về lộ trình, năm 2022 sẽ đẩy mạnh giảng dạy tiếng Việt bậc 1, bậc 2 dành cho trẻ em, thanh thiếu niên và người mới bắt đầu học tiếng Việt. Từ năm 2023 trở đi, người học là kiều bào khắp năm châu có thể tiếp cận bài học và luyện tập tiếng Việt ở trình độ cao hơn, cùng với hệ sinh thái các tài liệu tham khảo có giá trị để thúc đẩy tinh thần tự học, tự đào tạo của người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ.
P.V