- Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có triệu chứng ho khan, ho kéo dài, khó lý giải nguyên nhân hoặc ho có đờm trắng/nhiều đờm, có khi có bội nhiễm.
Những triệu chứng của ung thư phổi, căn bệnh gây tử vong nhiều nhất đối với cả nam và nữ giới, thường không quá rõ ràng trong giai đoạn đầu. Theo các bác sĩ, những cơn ho kéo dài là biểu hiện mà mọi người không nên xem nhẹ, đặc biệt là đối với những người từng hoặc đang hút thuốc lá.
Dấu hiệu nhận biết bạn có khả năng mắc ung thư phổi?
Cuộc sống mỗi người ai cũng có lúc ho do viêm họng do thời tiết, viêm nhiễm nhưng nếu dùng thuốc giảm ho, kháng sinh không khỏi thì cần cảnh giác với nguy cơ mắc ung thư phổi, đường hô hấp.
Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có triệu chứng ho khan, ho kéo dài, khó lý giải nguyên nhân hoặc ho có đờm trắng/nhiều đờm, có khi có bội nhiễm.
Khi bệnh nhân có các triệu chứng như: ho, khó thở, ho ra máu, ho đờm… thường không còn ở giai đoạn sớm. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng khó thở khi gắng sức hoặc vận động liên tục. Ngoài ra, 40 - 60% người bệnh bị đau ngực. Nhiều bệnh nhân ung thư phổi có biểu hiện đau đầu do bệnh đã di căn não, hoặc đau xương sống, sườn do di căn xương. Khi phát hiện các bệnh lý trên, đi khám, người bệnh mới phát hiện ung thư.
Ngoài các dấu hiệu trên, ung thư phổi cũng có các triệu chứng chung như mệt mỏi hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân. Các chuyên gia lưu ý: khi có tất cả dấu hiệu này chưa chắc người bệnh đã mắc ung thư nhưng cần lưu ý đến những dấu hiệu lạ và tiến hành kiểm tra ngay để loại trừ căn bệnh, từ đó sớm được điều trị.
Thuốc lá là nguyên nhân lớn nhất gây nên ung thư phổi, chiếm khoảng 80% các ca mắc. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm hút thuốc thụ động, hít phải khí radon, tiếp xúc với các chất gây ung thư trong không khí hay các thành viên trong gia đình từng mắc bệnh.
“Bạn đừng bao giờ xem nhẹ những vấn đề bất thường như ho dai dẳng, khàn tiếng, mệt mỏi hơn bình thường hay sụt cân đột ngột”, bác sĩ y khoa John Robert, Viện Ung thư Lynn (Florida, Mỹ), khuyến cáo.
Ai nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện ung thư phổi?
Theo các chuyên gia ung thư, các dấu hiệu lâm sàng của ung thư phổi thường nghèo nàn và không đặc trưng, nên đa số bệnh nhân được phát hiện tình cờ. Vì vậy, điều cần thiết là phải phát hiện lâm sàng sớm khi chưa có triệu chứng. Do đó, người dân cần đi khám sàng lọc định kỳ 2 lần/năm, những người trẻ có thể duy trì 1 lần/năm.
Người dân nên làm các biện pháp khám sàng lọc ung thư, đặc biệt nên chụp phổi định kỳ một năm hoặc 6 tháng/lần. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân cần tới chuyên ngành hô hấp khám kỹ và đưa ra biện pháp điều trị.
Trong đó, những đối tượng cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện ung thư phổi bao gồm:
- Nam giới ngoài 50 tuổi.
- Người có tiền sử nghiện thuốc lá, tiếp xúc nhiều khói thuốc.
- Người nghiện rượu, bia.
- Người thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại.
- Người sống và làm việc trong môi trường bị ô nhiễm.
“Những người hút thuốc lá và cả những người đã bỏ thuốc nên đi kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm sàng lọc ung thư phổi. Tuy vậy, bất cứ người nào cũng có thể mắc phải những triệu chứng của căn bệnh này”.
Việc tầm soát ung thư phổi thường tập trung vào những người bệnh có nguy cơ cao, thế nhưng không ai trong chúng ta có thể an toàn tuyệt đối khỏi căn bệnh này.
Việc đi khám ngay khi nhận thấy những biểu hiện khác thường có thể giúp chẩn đoán bệnh ở giai đoạn đầu, thời điểm việc điều trị dễ dàng phát huy tác dụng hơn.
Số liệu cho thấy khoảng 70% các ca mắc ung thư phổi đã phát bệnh đến giai đoạn 3 (25%) hoặc giai đoạn 4 (45%). Ở giai đoạn 4, giai đoạn cuối của căn bệnh, ung thư đã di căn ra cả hai lá phổi hoặc các cơ quan nội tạng khác như gan.
Để phòng ngừa những bệnh về phổi nguy hiểm có thể đe dọa tới tính mạng của bản thân hoặc người thân trong gia đình, việc tầm soát và thăm khám bệnh định kỳ trong năm sẽ giúp bạn phát hiện và điều trị kịp thời những dạng bệnh phổi nguy hiểm.