- Sau khi sắp xếp, trên cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện…
Ngày 30/8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 -2021” có buổi làm việc với các bộ, ngành về nội dung liên quan đến Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát.
Dự thảo lần 2 Báo cáo cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã giúp tinh gọn một bước tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Sau khi sắp xếp, trên cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện. Việc sắp xếp đơn vị hành chính đã tạo ra thay đổi tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi ngân sách.
Thông qua việc sắp xếp đơn vị hành chính, các địa phương có cơ hội rà soát, sàng lọc, một bước trên cơ sở đó bố trí sử dụng những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị ở những đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp và cả những đơn vị hành chính khác còn thiếu người làm việc.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính góp phần cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, góp phần sàng lọc đội ngũ, nâng cao chất lượng và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại những đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã giảm được chi ngân sách nhà nước, góp phần tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, đơn vị và người dân có cơ hội tiếp cận thiết bị hiện đại, rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng thực hiện các thủ tục hành chính.
Quang cảnh buổi làm việc |
Theo báo cáo của Chính phủ, đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 2.008,63 tỷ đồng… Qua đó, đã có thêm nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chiến lược xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị, góp phần thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, bản chất của việc sắp xếp đơn vị hành chính phải đảm bảo nguyên tắc tinh gon, hiệu lực hiệu quả. Nghị quyết của Trung ương cũng nêu rõ việc sắp xếp căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về phương án sắp xếp. Đối với ngành y tế, việc sắp xếp phải tuân thủ nguyên tắc chăm sóc sức khỏe cho người dân, ít nhất tốt bằng hoặc tốt hơn khi chưa sát nhập.
Đối với vấn đề Đoàn giám sát nêu về những khó khăn trong sắp xếp trạm y tế tại cơ sở, nhất là đối với xã vùng sâu, vùng xa, khoảng cách xa, giao thông đi lại khó khăn có thể thành lập mô hình điểm trạm y tế, như mô hình điểm trường trong ngành giáo dục, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định: Việc các địa phương phản ánh không duy trì được điểm trạm y tế vì vướng con dấu là chưa thỏa đáng, bởi việc sắp xếp căn cứ theo mật độ dân số, không căn cứ vào địa giới hành chính.
Thực tế ở một số địa phương như Quảng Ninh, Hưng Yên đang thực hiện mô hình điểm trạm y tế và việc hoạt động tốt. Điều quan trọng là phương thức, cách làm của địa phương, sắp xếp như thế nào để tạo thuận lợi nhất cho người dân được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Một số ý kiến tại buổi làm việc cũng nhấn mạnh, dự thảo Báo cáo kết quả giám sát cho thấy chủ trương đúng đắn, có tác động lâu dài góp phần làm tinh gọn bộ máy, tuy nhiên giai đoạn tới cần cân nhắc thời điểm tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính vì liên quan đến con người.
Các địa phương tiến hành sắp xếp cần đánh giá kỹ tác động, khó khăn, vướng mắc, đặc biệt chú ý sau sắp xếp cần có nguồn kinh phí đầu tư phát triển, nếu không sẽ lãng phí tài nguyên. Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát cũng kiến nghị các giải pháp khắc phục khó khăn, nhưng không phải khó khăn nào trung ương cũng có thể hỗ trợ, mà cần sự chủ động của địa phương.
Một số ý kiến cũng đề nghị báo cáo cần nêu bật các kết quả đạt được so với tồn tại, hạn chế, bởi thực tế việc sắp xếp đơn vị hành chính ở các địa phương đạt được thành công. Đối với những tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân làm căn cứ để khắc phục cho giai đoạn 2022-2030.