- Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), nhân viên y tế bỏ việc không có nghĩa là bỏ nghề. Lý do chế độ đãi ngộ thấp chỉ là một phần, vì chế độ đãi ngộ công chức, viên chức nói chung của cả nước đã thấp trong nhiều năm qua…
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, về tình trạng bỏ việc của nhân sự y tế công lập, cần làm rõ bỏ việc không đồng nghĩa với bỏ nghề, chỉ là di chuyển từ khu vực công sang khu vực tư nên tổng nguồn nhân lực của ngành trên cả nước không thay đổi.
“Về nguyên tắc thị trường, có đi thì có đến, có người chuyển đi thì sẽ có người vào. Vì vậy, Báo cáo của Bộ Y tế cần làm rõ hơn vì sao trong 2 năm gần đây người lao động ra khỏi hệ thống công lập tăng. Bộ Y tế cho biết do chế độ đãi ngộ thấp nhưng đó chỉ là một phần. Vì chế độ đãi ngộ cho công chức, viên chức nói chung của cả nước đã thấp trong nhiều năm qua. Do đó, cần rà soát tổng thể, trong đó có những giải pháp tổng thể về thể chế, chính sách.” – bà Nguyễn Thị Bích Ngọc phân tích.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cũng góp ý, nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở toàn quốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2020, đến nay vẫn chưa hoàn thành. Thời hạn lập quy hoạch chỉ đến ngày 31/12/2022.
“Đề nghị Bộ Y tế tập trung nguồn lực để xây dựng Quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở. Đây cũng là nền tảng giải quyết khó khăn trong việc xây dựng chương trình, danh mục dự án để phục hồi. Chúng ta không biết đâu là nơi tập trung ưu tiên, thứ tự việc gì làm trước, làm sau. Theo Bộ KH&ĐT, đây là vấn đề đầu tiên Bộ Y tế cần phải làm ngay. Việc phải làm tiếp theo là đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất của ngành y để xác định nguồn, thẩm quyền, quy mô đầu tư, lộ trình đầu tư.” – Thứ trưởng Bộ KH&ĐT lên tiếng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc |
Liên quan đến thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, về hệ thông văn bản trong lĩnh vực này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 79 và Nghị quyết 86, trong đó quy định một số nội dung khác so với Luật Đấu thầu, Luật Quản lý tài sản công và các luật khác để thực hiện mua sắm, đấu thầu trong phòng chống dịch.
Bộ KH&ĐT đã có văn bản hướng dẫn cho các bộ, ngành địa phương và ban hành 2 thông tư hướng dẫn số 08 và số 16 về quy định chi tiết việc đăng tải thông tin đấu thấu, lựa chọn nhà thầu trên hệ thống đấu thầu mạng quốc gia.
“Đề nghị Bộ Y tế tiếp túc phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.” Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Bà Ngọc cũng cho hay, Dự án Luật Đầu thấu sửa đổi dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Trong đó có một chương riêng về đấu thầu thuốc và đây là sẽ biện pháp công khai, minh bạch, khắc phục những vướng mắc trong đấu thầu thuốc thời gian qua. Có nội dung gì cần sửa đổi, cần cập nhật kịp thời vào Luật Đấu thấu sửa đổi.
Về nguyên nhân vướng mắc trong mua sắm thuốc và thiết bị y tế, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nêu rõ: Thứ nhất là vướng ở hai Nghị định là Nghị định 98 năm 2021 và Nghị định 54 năm 2017 thì Chính phủ đã có dự thảo Nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc. Bà Ngọc cũng đề nghị sớm sửa đổi những Thông tư liên quan, ví dụ như một số quy định tại Thông tư 14 của Bộ Y tế.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, quy trình gia hạn đăng ký lưu hành thuốc rất phức tạp. Bộ Y tế nghiên cứu hai giải pháp bao gồm ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, xem xét kiến nghị Quốc hội tiếp tục cho cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 30. Nhưng về lâu dài, cần đánh giá tác động của cơ chế này, từ đó xây dựng cơ chế đáp ứng sự nhanh chóng, kịp thời đối với sản phẩm đã được các quốc gia có nền y học tiên tiến công nhận. Điều này sẽ giảm tải cho các cơ quan Nhà nước, để tập trung vào xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.