- Trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Quốc tế và Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết và khai trương Phòng thí nghiệm chung về Trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật (AIoT Joint Lab).
Phòng thí nghiệm chung về Trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật là kết quả của sự hợp tác sâu sắc và toàn diện giữa Trường Quốc tế và Viện Công nghệ thông tin trong suốt thời gian qua. Phòng thí nghiệm ra đời nhằm tạo ra một không gian nghiên cứu mở, năng động và sáng tạo cho cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên của hai đơn vị cùng trao đổi học thuật, tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển các hướng nghiên cứu chuyên sâu thuộc lĩnh vực Internet Vạn Vật (IoT) và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Các hướng nghiên cứu chính của Phòng thí nghiệm gồm: Hệ thống nhúng, Vạn vật Internet (IoT), Công nghệ FPGA, Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hệ thống đo lường và điều khiển, Học máy và trí tuệ nhân tạo.
Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật là sản phẩm chung của Trường Quốc tế và Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN |
Phát biểu tại buổi lễ, Hiệu trưởng Trường Quốc tế PGS.TS Lê Trung Thành chia sẻ, trong thời gian qua, Trường Quốc tế đã mở rộng lĩnh vực đào tạo về công nghệ thông tin và kỹ thuật. Trường đang phát triển mạnh các nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ như các nhóm nghiên cứu về ứng dụng công nghệ thông tin, nhóm nghiên cứu về điều khiển thông minh, nhóm nghiên cứu về hệ thống thông minh và IoT, …
Trường Quốc tế tập trung hợp tác với Viện Công nghệ thông tin theo 3 trụ cột chính là đào tạo, nghiên cứu và đóng góp cho cộng đồng. Việc hợp tác sâu sắc với Viện Công nghệ thông tin sẽ góp phần giúp Nhà trường phát triển đúng theo định hướng đã đề ra. Cụ thể, trong hoạt động đào tạo, các nhà khoa học của Viện cùng tham gia giảng dạy các chương trình đào tạo đại học, thạc sỹ và tiến sỹ; hướng dẫn thạc sỹ và các nghiên cứu sinh. Trong hoạt động nghiên cứu, hiện Trường Quốc tế có 13 nhóm nghiên cứu, trong đó có 2/3 nhóm các ngành kỹ thuật công nghệ, các nhà khoa học 2 bên có thể tham gia các chương trình nghiên cứu của Trường, hình thành các sản phẩm đóng gói giúp cho chuyển giao và đào tạo như nhóm tự động hóa về robot, UAV, ô tô tự hành, nhóm hệ thống cảm biến sinh học, cảm biến môi trường... Trong việc đóng góp cho cộng đồng, Viện Công nghệ thông tin và Trường Quốc tế có thể tổ chức các khóa đào tạo về AI, IoT công cụ và ứng dụng trong các lĩnh vực để những người quan tâm có thể tìm hiểu, cập nhật kiến thức.
Theo Viện Cộng nghệ thông tin, Phòng thí nghiệm sẽ là địa điểm nghiên cứu lý tưởng cho các nhóm nghiên cứu của hai đơn vị, cho các sinh viên đang theo học ngành kỹ thuật – công nghệ tại Trường Quốc tế. Phòng thí nghiệm cũng thể hiện tinh thần One VNU của các đơn vị trong toàn ĐHQGHN. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là một trong số ít phòng thí nghiệm phối thuộc giữa các đơn vị trong ĐHQGHN, cho thấy sự kết nối chặt chẽ của các đơn vị cũng như mối liên hệ không thể tách rời giữa hoạt động đào tạo và nghiên cứu.
P.V