- Qua thực hiện cao điểm, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý hơn 470 nghìn trường hợp vi phạm, phạt tiền 827 tỷ đồng; tước Giấy phép lái xe, Bằng, Chứng chỉ chuyên môn hơn 77 nghìn trường hợp; tạm giữ hơn 100 nghìn phương tiện các loại. Đã xử lý 61.401 trường hợp vi phạm nồng độ cồn...
Ảnh minh họa |
Báo cáo tại Hội nghị giao ban để đánh giá tình hình, kết quả sau 02 tháng thực hiện Kế hoạch số 299/KH-BCA-C08 ngày 13/6/2022 của Bộ Công an về cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) và 01 tháng thực hiện Điện số 76/HT ngày 13/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, ngay sau khi nhận được Kế hoạch số 299 của Bộ, Công an các đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch và quán triệt đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ để triển khai thực hiện.
Cục CSGT đã xây dựng kế hoạch, bố trí 03 Đoàn công tác do lãnh đạo Cục CSGT làm Trưởng đoàn cùng với các đơn vị chức năng đi nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tại cao điểm tại Công an các địa phương nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo chỉ huy các cấp trong việc triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an tại Kế hoạch số 299.
Ngày 13/7/2022, Bộ trưởng Bộ Công an đã có Điện số 76 chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động phòng ngừa không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và duy trì tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma tuý…
Theo đó, lực lượng CSGT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT; vận động hơn 21 nghìn chủ nhà hàng, quán bar, vũ trường nhắc nhở khách hàng đến ăn uống không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia; vận động hơn 17 nghìn doanh nghiệp, hơn 1.600 nhà máy, 3.500 chủ bến bãi, hơn 2.000 xưởng cơ khí, sửa chữa ô tô, hơn 116 nghìn cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh việc bốc xếp, chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của xe, không “cơi nới” thùng xe và tự giác tháo, cắt thùng xe trở về đúng với thiết kế đã được phê duyệt...
Qua thực hiện cao điểm, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý hơn 470 nghìn trường hợp vi phạm, phạt tiền 827 tỷ đồng; tước Giấy phép lái xe, Bằng, Chứng chỉ chuyên môn hơn 77 nghìn trường hợp; tạm giữ hơn 100 nghìn phương tiện các loại. Đã xử lý 61.401 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 30.263 trường hợp phương tiện vận tải hàng hoá vi phạm cơi nới thành thùng, chở hàng quá khổ, quá tải; xử lý 58.044 trường hợp vi phạm tốc độ. Trong 02 tháng cao điểm, cả nước đã xảy ra 1.780 vụ tai nạn giao thông, làm chết 955 người, bị thương 1.287 người. Giảm cả 03 tiêu chí so với thời gian trước liền kề.
“Qua 02 tháng thực hiện Kế hoạch số 299, tình hình TTATGT có chuyển biến tích cực, đã tập trung xử lý nghiêm các phương tiện chở hàng quá trọng tải, quá khổ, tự ý cải tạo phương tiện giúp cho hoạt động vận tải có nhiều chuyển biến tích cực, được dư luận đồng tình ủng hộ. 13 địa phương có tình hình tai nạn giao thông giảm cả 03 tiêu chí với trước thời gian trước liền kề” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung cho biết.
Tại Hội nghị, đại diện Công an các đơn vị, địa phương đã phát biểu ý kiến, chỉ những tồn tại, hạn chế cũng như những kết quả tích cực trong 02 tháng thực hiện Kế hoạch số 299; từ đó nêu ra những giải pháp để khắc phục những tồn tại hạn chế và phát huy tốt những mặt đã làm được trong thời gian tới…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long ghi nhận, biểu dương kết quả công tác mà Cục CSGT và Công an các đơn vị, địa phương đã đạt được trong 02 tháng thực hiện Kế hoạch số 299 và hơn 01 tháng thực hiện Điện số 76 của Bộ trưởng Bộ Công an; khẳng định, bước đầu tạo chuyển biến rất tích cực trong tư duy, nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các địa phương; trong cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Việc xử lý phương tiện quá khổ, quá tải, vi phạm nồng độ cồn, ma tuý, vi phạm tốc độ… đã được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long khẳng định, nhiệm vụ đầu tiên của CSGT là tuyên truyền, giáo dục giúp người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Chính vì vậy, Công an các địa phương cần tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tham gia bảo đảm TTATGT, để cán bộ, công chức gương mẫu, không vi phạm. “Công tác đảm bảo an toàn giao thông phải thực chất, không được làm theo kiểu phong trào.
Lực lượng Công an có đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện nhiệm vụ. Chúng ta phải xác định đây là trách nhiệm của chúng ta. Vì vậy, phải đổi mới tư duy nhận thức của CSGT; phải xác định chủ thể phục vụ của chúng ta là người dân; xác định người dân là trung tâm và động lực, nguồn lực. Nhiệm vụ của CSGT là bảo đảm các quyền lợi cho người dân” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.
Đồng thời Thứ trưởng Nguyễn Văn Long yêu cầu, Đảng uỷ Cục CSGT và Công an các địa phương phải quyết tâm, đồng lòng xây dựng lực lượng CSGT thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; phát huy hiệu quả, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo đảm an toàn giao thông.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đề nghị Công an các địa phương tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình các tuyến, địa bàn phức tạp về TTATGT; bố trí lực lượng CSGT tuần tra khép kín địa bàn, không bỏ trống địa bàn. Đánh giá mức độ an toàn các tuyến giao thông xung quanh khu vực trường học để tìm phương án xử lý, trước mắt là bảo đảm an toàn các hoạt động kỷ niệm Quốc khánh 2/9, Lễ khai giảng năm học mới 2022 và “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - Tháng 9” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, nhất là trong các trường học để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, đặc biệt vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm túc các quy định về cấm uống rượu, bia, gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không lái xe.
Đồng chí Thứ trưởng cũng lưu ý, các đơn vị, địa phương phải sử dụng hiệu quả các phương tiện nghiệp vụ mà Bộ Công an đã trang bị, không được để lãng phí; tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để phục vụ việc phân cấp đăng ký xe mô tô cho Công an xã; sớm hoàn thành dữ liệu xe chính chủ; nghiên cứu tạo điều kiện để người dân rút hồ sơ đăng ký chính chủ thuận lợi nhất; giao Cục CSGT tiếp tục nghiên cứu bộ quy tắc ứng xử của CSGT để thực hiện trong toàn lực lượng thời gian tới…
Trong 2 tháng triển khai thực hiện cao điểm, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) và công an các quận, huyện, thị xã đã bố trí 23.792 lượt tổ tuần tra kiểm soát với 78.296 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện nhiệm vụ. Toàn lực lượng đã xử lý 50.796 trường hợp, tước giấy phép lái xe 4.774 trường hợp, tạm giữ 326 ô tô, 4.818 mô tô, 1 phương tiện thủy, 80 phương tiện khác. Trong đó phát hiện, xử lý 3.678 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 1.514 trường hợp vi phạm tốc độ, 2.002 trường hợp vi phạm chở quá khổ, quá tải trọng và cơi nới kích thước thành thùng… Cũng trong 2 tháng cao điểm, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 143 vụ tai nạn giao thông làm 64 người chết, 114 người bị thương; 8 vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân liên quan đến người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. |
P.Mai