Mới đây, ông Lê Thành Điệu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản Thành Nguyên đã gửi đơn thư tới nhiều nơi để kiến nghị về vấn đề tranh chấp trong hợp tác liên doanh giữa Công ty Thành Nguyên và Công ty địa ốc VNAM REAL.
Hình ảnh xây dựng tại Dự án khu dân cư Võ Minh Đức, tỉnh Bình Dương (Ảnh nguồn internet). |
Từ vị trí tổng giám đốc một Công ty lớn, lâm cảnh cùng quẫn
Đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Lê Thành Điệu gửi tới tòa soạn có nội dung tóm tắt như sau: “…Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản Thành Nguyên (gọi tắt là công ty Thành Nguyên) có 03 thành viên trong gia đình gồm: tôi - Lê Thành Điệu, nắm giữ 41%; vợ tôi - Ngô Ngọc Giàu, nắm giữ 57,5%; cha tôi - Lê Văn Thám, nắm giữ 1,5% cổ phần, tổng vốn điều lệ là 200 tỷ đồng. Năm 2004, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương cho Công ty Thành Nguyên thực hiện Dự án Khu dân cư Võ Minh Đức, có địa chỉ tại phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một với diện tích 15 (héc ta) ha, năm 2006 điều chỉnh lên 19,7 ha.
Năm 2004 đến 2010, Công ty Thành Nguyên tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng 15 ha, trong đó 10 ha đã được Sở TN&MT cấp 120 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), còn gần 5 ha về cơ bản đã đền bù xong nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Dự án đã thi công hạ tầng giao thông, điện, nước và một số khu nhà văn phòng, nhà thương mại. Sau 2010, Công ty Thành Nguyên gặp khó khăn về vốn nên tiến độ thực hiện dự án bị ngưng trệ. Để giải quyết khó khăn này, Công ty Thành Nguyên đã kêu gọi đối tác hợp tác đầu tư.
Năm 2018, ông Nguyễn Sơn Tùng – Luật sư, Giám đốc đại diện theo pháp luật Công ty Luật Legal United Law biết Dự án Khu dân cư Võ Minh Đức của công ty chúng tôi đang ngưng trệ nên đã chủ động tạo lập mối quan hệ, cho biết có khả năng huy động nguồn tài chính lớn… Sau đó, ông Tùng giới thiệu ông Trương Văn Quang, Nguyễn Đăng Hải của Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Liên Hiệp Việt và bà Trần Thị Dịu Hòa. Tại buổi gặp, tôi trình bày những thuận lợi và khó khăn của công ty Thành Nguyên khi thực hiện dự án cho ông Tùng nghe.
Đáp lại phía ông Tùng, ông Quang, bà Hòa đều hào hứng đồng ý hợp tác với tôi để thực hiện dự án và đề xuất phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn…Khi hai bên đồng ý hợp tác, phía ông Tùng đề xuất lập Hợp đồng hợp tác liên doanh thành lập một pháp nhân mới – Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh địa ốc Vnam Real. Tổng vốn góp là 600 tỷ đồng. Trong đó Bên A – Công ty Thành Nguyên không có tiền nên tạm trích ra 1,5ha đất (12 triệu VNĐ/m2) tương đương với 200 tỷ ứng với 33,33%; Bên B gồm Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Capital do ông Tùng là Tổng giám đốc và Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Liên Hiệp Việt, đại diện là ông Nguyễn Đăng Hải chức vụ Tổng Giám đốc sẽ góp 400 tỷ đồng, ứng với 66,67%.
Tất cả thống nhất như vậy nhưng khi ông Nguyễn Sơn Tùng lập hợp đồng lại ghi: Bên A góp vốn bằng quyền khai thác diện tích đất đã đền bù giải tỏa trong dự án (nghĩa là 15ha đất). Từ ngày 04/9/2018 đến tháng 01/2019, tôi đã giao toàn bộ Giấy chứng nhận QSDĐ bản gốc liên quan đến 1,5ha đất cho ông Nguyễn Sơn Tùng. Ngược lại, Bên B phía ông Tùng không hề góp vốn. Sau khi thành lập Công ty VNAM REAL, ông Tùng nói với tôi rằng: “Công ty Thành Nguyên bị liệt kê nợ xấu lại là thành viên góp vốn thì sẽ không ai dám cho công ty VNAM REAL vay tiền.
Do đó, cần phải lập hợp đồng giả cách chuyển nhượng vốn góp của Công ty Thành Nguyên cho Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Liên Hiệp Việt”. Tôi thấy ông Tùng nói như vậy cũng hợp lý và cũng do sự tin tưởng trọn vẹn vào một luật sư có tâm, có đức như ông Tùng nên tôi nghe theo sự tư vấn của ông Tùng. Ngày 04/9/2018, tôi sử dụng chức danh Tổng Giám đốc và ngày 01/11/2018, vợ tôi - Ngô Ngọc Giàu sử dụng chức danh Chủ tịch Cty ký kết hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp tạm tính 200 tỷ đồng của Công ty Thành Nguyên cho Công ty VNAM REAL.
Ngày 07/9/2018, ông Tùng tiếp tục lập hợp đồng hợp tác liên doanh giữa Công ty Thành Nguyên và Công ty VNAM REAL với tổng vốn góp là 1.245 tỷ đồng tương đương 19,7ha đất dự án. Theo đó, Công ty Thành Nguyên góp vốn bằng diện tích đất trong dự án tạm tính là 435 tỷ 900 triệu đồng ứng với 35%; còn Công ty VNAM REAL góp 809 tỷ 600 triệu đồng ứng với 65%. Sau đó, ông Tùng tiếp tục sử dụng phương thức lập hợp đồng giả tạo chuyển nhượng cổ phần của cổ đông trong Công ty Thành Nguyên cho Công ty Liên Hiệp Việt. Trong quá trình hợp tác, phía gia đình chúng tôi hoàn toàn tin tưởng làm theo tất cả những gì phía ông Tùng yêu cầu.
Tuy nhiên, suốt thời gian hợp tác, họp bàn nhiều lần nhưng phía ông Tùng vẫn không góp vốn. Tháng 4/2020, ông Nguyễn Sơn Tùng, ông Trương Văn Quang, bà Trần Thị Dịu Hòa, ông Nguyễn Đăng Hải, ông Đào Gia Phú đã sử dụng chính hợp đồng giả tạo chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng cổ phần ký kết ngày 13/11/2018 để lập hồ sơ thay đổi đăng ký doanh nghiệp. Tháng 5/2020, hàng trăm người cùng xe cơ giới, máy ủi kéo đến đuổi hết cán bộ công nhân viên, bảo vệ rồi chiếm giữ dự án Võ Minh Đức của Công ty Thành Nguyên…”(trích đơn kêu cứu của ông Lê Thành Điệu).
Cơ quan điều tra kết luận không có dấu hiệu tội phạm
Theo hồ sơ ông Lê Thành Điệu cung cấp, tại văn bản kết luận điều tra xác minh tố giác tội phạm ngày 23/8/2022 của cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương về việc ông Đào Gia Phú tố giác ông Lê Thành Điệu có hành vi tham ô tài sản, có nội dung như sau: “… Ngày 12/11/2018, Công ty Thành Nguyên tiến hành họp đại hội cổ đông về việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông và sửa đổi điều lệ công ty với sự tham gia của 03 cổ đông là ông Lê Thành Điệu (sở hữu 41% cổ phần), bà Ngô Ngọc Giàu (sở hữu 57,5% cổ phần), ông Lê Văn Thám (cha ông Điệu sở hữu 1,5% cổ phần) và đại diện Công ty Liên Hiệp Việt là ông Nguyễn Đăng Hải – Tổng Giám đốc Công ty, theo đó đồng ý cho 02 cổ đông là ông Lê Thành Điệu và bà Ngô Ngọc Giàu chuyển nhượng 80% cổ phần (mỗi người 40%) của công ty mà ông Điệu, bà Giàu đang sở hữu cho Công ty Liên Hiệp Việt với tổng giá trị chuyển nhượng là 160 tỷ đồng.
Ngày 13/11/2018, ông Lê Thành Điệu và bà Ngô Ngọc Giàu ký 02 hợp đồng chuyển nhượng số cổ phần nêu trên cho Công ty Liên Hiệp Việt, theo đó Công ty Liên Hiệp Việt có nghĩa vụ thanh toán ngay số tiền chuyển nhượng cho ông Điệu, bà Giàu bằng hình thức chuyển khoản. Tuy nhiên, các bên chưa làm thủ tục thay đổi hồ sơ đăng ký kinh doanh mà đến tháng 01/2020, Công ty Liên Hiệp Việt mới làm thủ tục và sử dụng các hợp đồng, hồ sơ chuyển nhượng cổ phần ngày 13/11/2018 để nộp hồ sơ vào Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương để thay đổi người đại diện pháp luật sang tên ông Đào Gia Phú và cổ đông sang tên Công ty Liên Hiệp Việt.
Việc thay đổi này được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương chấp nhận theo hồ sơ thay đổi giấy chứng nhận kinh doanh lần thứ 9 của Công ty Thành Nguyên ngày 27/4/2020. Căn cứ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần thì Công ty Liên Hiệp Việt phải chuyển số tiền 160 tỷ đồng cho ông Điệu, bà Giàu, nhưng thực tế theo sự thỏa thuận của các bên được thống nhất bằng hợp đồng ngày 22/7/2019 thì số tiền 65.012.000.000 đồng đã được xác định là tiền mua cổ phần của ông Điệu, bà Giàu tại Công ty Thành Nguyên và chưa vượt quá số tiền phải chuyển để mua cổ phần 160 tỷ theo hợp đồng đã ký. Do đó, nội dung ông Đào Gia Phú tố giác ông Lê Thành Điệu, bà Ngô Ngọc Giàu tham ô tài sản số tiền do các bên liên quan chuyển vào tài khoản Công ty Thành Nguyên không có dấu hiệu tội phạm, là tranh chấp dân sự” (trích bản kết luận kiểm tra xác minh công an tỉnh Bình Dương).
Theo TH&PL